,

Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ

Nội dung trên được quy định tại Nghị định 83/2012/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.


Nội dung trên được quy định tại Nghị định 83/2012/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Thanh tra Chính phủ đã được phê duyệt và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Bên cạnh đó, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng có nhiệm vụ kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và của Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chánh Thanh tra cấp tỉnh khi cần thiết.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức gồm 19 đơn vị

Thanh tra Chính phủ có 19 đơn vị, trong đó có 14 đơn vị giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: 1- Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I); 2- Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); 3- Vụ Thanh tra khối văn hóa, xã hội (Vụ III); 4- Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; 5- Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư; 6- Vụ Pháp chế; 7- Vụ Tổ chức Cán bộ; 8- Vụ Hợp tác Quốc tế; 9- Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp; 10- Văn phòng (có Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh); 11- Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 1 (Cục I); 12- Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 2 (Cục II); 13- Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3 (Cục III); 14- Cục Chống tham nhũng (Cục IV);

Ngoài ra, có 5 đơn vị sự nghiệp gồm: Viện Khoa học Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Trung tâm Thông tin.

 

Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục