,

Đổi mới mạnh mẽ công tác thanh tra TN&MT

Tập trung thanh tra, tạo chuyển biến trong quản lý Nhà nước là một trong những định hướng chính của Bộ TN&MT năm 2015. Tập trung thanh tra để phát hiện sai phạm, điều chỉnh chính sách, tạo nhận thức sâu rộng về bảo vệ tài nguyên môi trường trên toàn quốc. Trao đổi với Báo TN&MT, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cho biết:


- Nhìn lại kết quả công tác thanh tra năm 2014, chúng ta thấy toàn ngành đã có những chuyển biến tích cực, số cuộc và số đối tượng được thanh tra đều tăng so với những năm trước đây. Kết quả đạt được trong năm 2014 đã có tác động không nhỏ đến ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường của từng cá nhân và tổ chức.

Như chúng ta biết, từ năm 2010 trở lại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung toàn lực cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản đã được Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành như: Luật Khoáng sản năm 2010; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Đất đai năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014... Như vậy đến nay khung pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cơ bản đã đầy đủ, các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống. Chính vì vậy trong năm 2015, công tác thanh tra, kiểm tra cần được tăng cường để tạo nên chuyển biến trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức và kịp thời bổ sung, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp, không có tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

Để công tác thanh tra tạo nên sự chuyển biến, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động, trong đó tập trung vào kiện toàn hệ thống nhân sự, đổi mới công tác tiếp dân, xây dựng kế hoạch để tránh chồng chéo…

Cụ thể, về công tác nhân sự, Thanh tra Bộ sẽ kiện toàn hệ thống tổ chức về số lượng và chất lượng. Trong đó tập trung đổi mới tổ chức Thanh tra Bộ theo hướng thành lập các Phòng Thanh tra theo khu vực hướng tới thành lập Thanh tra vùng theo Đề án kiện toàn đã trình Lãnh đạo Bộ; Nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác thanh tra trong toàn ngành nói chung và Thanh tra Bộ nói riêng. Theo Kế hoạch vào đầu tháng 4 năm 2015, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thanh tra năm 2015 và tập huấn cho lực lượng làm công tác thanh tra trong toàn ngành để tạo sự thống nhất trong việc triển khai nhiệm vụ.  

Đối với công tác tiếp dân, Ngành Thanh tra Bộ TN&MT  tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, khắc phục các tồn tại; Nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị xử lý về thanh tra; Thực hiện công tác giám sát, kiểm tra hoạt động các Đoàn Thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định, hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra, tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. 

Bên canh đó, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các Tổng cục; địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Thông tin kịp thời cho báo chí để đảm bảo thông tin chính xác, khách quan, đúng sự thật. Đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến người dân.

         Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra. Chú trọng thực hiện việc sơ kết, tổng kết công tác để kịp thời rút kinh nghiệm.

 

* Thưa ông, trong 8 lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ, năm nay, công tác thanh tra sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

Ông Lê Quốc Trung: Bộ đã xác định công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Ngày 25 tháng 11 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2666/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2015 và Văn bản số 5208/BTNMT-TTr ngày 25 tháng 11 năm 2013 về chấp thuận kế hoạch kiểm tra thường xuyên năm 2015.

Theo Kế hoạch đã được ban hành, cùng với việc đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào các nội dung chính như: Công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đối với các cơ sở bảo tồn, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông; công tác khai thác, sử dụng đá vôi; tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, hoạt động khoáng sản và công tác hậu kiểm; việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; các quy định của pháp luật về giao, sử dụng khu vực biển.

 

* Thanh kiểm tra mới chỉ là bước đầu để phát hiện sai phạm trong công tác quản lý tài nguyên của các cấp các ngành. Quan trọng hơn là công tác xử lý sau kiểm tra. Công tác này sẽ được đơn vị thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Lê Quốc Trung: Có thể nói công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra những năm trước đây chưa được các đơn vị trong ngành quan tâm đúng mức từ đó hiệu quả của công tác thanh tra chưa cao.

Nhận thức được sự cần thiết của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, từ năm 2012 đến nay, nội dung này đã được các đơn vị trong toàn ngành đưa vào Kế hoạch thanh tra hàng năm. Số cuộc “hậu kiểm” và số lượng cá nhân, tổ chức chấp hành các kết luận thanh tra đã tăng theo từng năm; các đoàn kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra cũng đã kịp thời nhắc nhở, yêu cầu các cá nhân, đơn vị phải chấp hành nghiêm các kết luận thanh tra đã được ban hành từ đó vai trò, hiệu quả của công tác thanh tra đã dần được nâng cao.

Theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt, trong năm 2015 Thanh tra Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra tại 10 địa phương, trong đó tập trung vào kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố đã được ban hành trong năm 2013. 

* Thưa ông, ngoài kế hoạch thanh tra định kỳ được xác định hàng năm, công tác thanh tra đột xuất (theo sự vụ) được đơn vị triển khai như thế nào? Những cuộc thanh tra đột xuất có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch thanh tra hàng năm?

Ông Lê Quốc Trung: Công tác thanh tra đột xuất được xác định là một trong những nhiệm vụ cần được tăng cường, qua thanh tra đột xuất sẽ xử lý kịp thời những “điểm nóng”, những vấn đề “nhạy cảm” đang được dư luận và xã hội quan tâm. Chính vì vậy, số cuộc thanh tra đột xuất đã được Thanh tra Bộ chủ động xác định trong Kế hoạch thanh tra năm 2015 là 05 cuộc. Tuy nhiên việc xác định số cuộc thanh tra đột xuất chỉ mang tính tương đối vì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế các vi phạm có thể phát sinh trong năm. Việc triển khai các đoàn thanh tra đột xuất phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về thanh tra.

Cùng với việc xác định số cuộc thanh tra đột xuất trong kế hoạch, Thanh tra Bộ còn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành để thực hiện việc thanh tra đột xuất khi có yêu cầu, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch, nhiều năm Thanh tra Bộ phải điều chỉnh Kế hoạch thanh tra do phát sinh quá nhiều cuộc thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, việc bố trí con người, thời gian và kinh phí để thực hiện cũng hết sức khó khăn do không thể dự đoán trước những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường có thể phát sinh dẫn đến phải thanh tra đột xuất.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Monre

Tin cùng chuyên mục