,

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Yêu cầu công khai kết quả khắc phục sai phạm sau thanh tra

Ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thanh, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2016, phướng hướng nhiệm vụ năm 2017. Phát biểu chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu: “Đối với công tác thanh tra năm 2017, tôi đề nghị Thanh tra Bộ và các chuyên ngành bắt tay ngay sau Tết nguyên đán Đinh Dậu. Thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra…”

Năm 2016, tổ chức thanh tra tại 58/63 tỉnh, thành

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ cho biết: trong năm 2016, việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Bộ đã bám sát định hướng của ngành và Thanh tra Chính phủ, nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã tập trung vào những vấn đề nội cộm về TN&MT; đã hạn chế việc chồng chéo giữa Bộ và địa phương.

Các đơn vị trực thuộc Bộ cơ bản đã triển khai thực hiện được 100% nhiệm vụ trong Kế hoạch được phê duyệt; bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất được chú trọng thực hiện. Kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được Bộ và các đơn vị quan tâm, từng bước được tăng cường,…

Kết quả cụ thể, năm 2016, các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành 90 cuộc thanh tra và kiểm tra theo chuyên đề đối với 1.176 tổ chức trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố (giảm 04 cuộc nhưng tăng 22 tổ chức được thanh tra so với năm 2015), trong đó có 04 cuộc thanh tra hành chính và 86 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 61 tổ chức với tổng số tiền là 20 tỷ 362,6 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách 1 tỷ 20 triệu đồng; thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của 03 tổ chức.

Cũng theo ông Lê Quốc Trung, công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trực tiếp tiếp công dân thường kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và Quy chế làm việc của Chính phủ, nhất là các trường hợp đông người, bức xúc, phức tạp, kéo dài. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng; kết quả giải quyết đạt trên 85% số vụ việc phát sinh; việc đối thoại, hướng dẫn, giải thích, hòa giải được coi trọng (trong đó, đã hòa giải thành được 02 vụ việc tranh chấp kéo dài từ nhiều năm). Đã có sự phối hợp tích cực giữa Bộ với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai…

 

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu  phải xây dựng một đội ngũ Thanh tra ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương một cách nề nếp - bài bản và chính quy

 

Hoàn thành nhiệm vụ ngay từ tháng đầu

Triển khai Kế hoạch thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017 được Bộ trưởng phê duyệt, ông Lê Quốc Trung cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh công tác ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Đối với lĩnh vực đất đai sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung theo Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể: Thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp GCN đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01/7/2014 đến thời điểm thanh tra. Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp.

Lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, xi mạ, thuộc da, nhiệt điện...); các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được Bộ TN&MT thanh tra trong năm 2016). Trong đó Bộ sẽ tiến hành thanh tra đối với các đối tượng do Bộ thẩm định và phê duyệt ĐTM hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

Lĩnh vực địa chất khoáng sản sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong công tác quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Tăng cường kiểm tra công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, kiểm tra việc thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng, lạch tại các địa phương trên cả nước, nhất là ở các huyện giáp ranh khiến môi trường ô nhiễm, sạt lở nghiêm trọng bờ sông, gây bức xúc trong dư luận.

Lĩnh vực tài nguyên nước sẽ thanh tra công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước của một số tổ chức, cá nhân. Thanh tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi (không thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành).

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về TN&MT của UBND cấp tỉnh.

Về công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức tiếp công dân thường xuyên theo quy định của Luật Tiếp công dân. Tập trung giải quyết các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% đối với các vụ việc mới phát sinh. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ;…

  

 Ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT trình bày báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm 2016, kế hoạch triển khai công tác năm 2017

 

Thanh tra Bộ phải: nề nếp, bài bản và chính quy

Sau khi đại diện Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phát biểu phát biểu, góp ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo toàn diện và tổng thể đối với công tác thanh tra ngành TN&MT.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả trong công tác thanh, kiểm tra của ngành TN&MT trong năm 2016. Bộ trưởng chia sẻ với đội ngũ làm công tác thanh tra của ngành, với lực lượng và tổ chức bộ máy rất thiếu như hiện nay từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, so với công việc lực lượng này làm, có thể nói đó là sự cố gắng rất đáng ghi nhận.

Là một trong 3 công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công tác thanh tra có đạt yêu cầu hay không chính là nhờ sự đánh giá của thực tế cuộc sống, dư luận xã hội, báo chí… để chúng ta đánh giá về trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm quản lý nhà nước ngành TN&MT trên các lĩnh vực.

Về nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng cho rằng, kế hoạch thanh tra trừ nhiệm vụ đột xuất còn phải bắt tay ngay vào công việc. “Tôi đề nghị Thanh tra Bộ và các chuyên ngành bắt tay ngay sau Tết nguyên đán Đinh Dậu. Thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra… để góp phần đưa hiệu quả của công tác thanh tra vào tăng cường công tác thực thi pháp luật, tăng cường công tác xử lý những sai phạm một cách kịp thời.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng quan tâm đến những bất cập, khó khăn trong việc lực lượng thanh tra của ngành mỏng nhưng đáp ứng được lượng công việc đồ sộ. Bên cạnh việc đề nghị Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất, thống kê và bố trí lực lượng cán bộ chuyên ngành có trình độ năng lực làm nòng cốt để bổ sung cho công tác thanh tra, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ có kế hoạch để đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ này.

“Đội ngũ cán bộ đó cần phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đó phải là những cán bộ có trình độ chuyên sâu trên từng lĩnh vực. Tôi đề nghị các đồng chí phải xây dựng một đội ngũ Thanh tra ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương một cách nề nếp - bài bản và chính quy…” - Bộ trưởng nói. 

 

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Công khai việc khắc phục sai phạm sau thanh tra

Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TN&MT, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ tổng kết lại các biện pháp xử lý, khắc phục bổ sung những sai phạm trong từng lĩnh vực… đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm hướng dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong công tác thực thi pháp luật, khắc phục sai phạm, sự cố, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng yêu cầu, sau thanh tra phải xác định được có bao nhiêu việc đem lại hiệu quả kinh tế xã hội; cần có cơ chế để sau khi thanh tra xong phải có hướng dẫn cho đối tượng thanh tra cách khắc phục những tồn tại đó. Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ đưa ra quy chế để thực hiện việc giám sát công tác khắc phục vi phạm, sai phạm của các đối tượng sau thanh tra như thế nào… để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và xử lý vi phạm sau thanh tra.

Về công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra, với những việc của địa phương, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký văn bản đề nghị các địa phương phối hợp thực hiện.

Bộ trưởng yêu cầu công khai quá trình thực hiện việc khắc phục sai phạm, vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp và người dân để các lực lượng như: cơ quản quản lý nhà nước trên địa bàn, các hệ thống tổ chức chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân và đặc biệt là lực lượng phóng viên, các cơ quan báo chí truyền thông giám sát. “Công khai giám sát công tác này là việc chúng ta phải làm chứ không thể khác được.” - Bộ trưởng khẳng định.

Monre

Tin cùng chuyên mục