,

Bộ TN&MT: Triển khai tập huấn thanh tra, kiểm tra diện rộng về quản lý các dự án có nguồn vốn Chính phủ

Ngày 18/8, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn về việc ban hành Kế hoạch Thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ do Bộ TN&MT trực tiếp quản lý. Tới dự và chủ trì có Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, đại diện Thanh tra Chính phủ cùng các đơn vị trong toàn Bộ…
 

Tại Hội nghị, đại diện Thanh tra Chính phủ đã giới thiệu các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nội dung chỉ đạo các cơ quan thanh tra. Theo đó, nội dung quán triệt tại Chỉ thị số 1792/CT- TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ được biết: Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn là nội dung quan trọng, phải có hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn thuộc ngân sách Nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ, làm cho dự án thi công phải kéo dài, gây lãng phí thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do việc kéo dài này gây ra.

Tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 27/CT – TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; Chỉ thị 14/CT – TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ tinh thần chỉ đạo nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhằm giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, nội dung chỉ đạo các cơ quan thanh tra cần tập trung tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung kiểm tra việc phê duyệt, điều chỉnh mức đầu tư, nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án có mức thay đổi tổng mức đầu tư lớn. Tổ chức việc công bố công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật; đề xuất với Chính phủ có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ

Phạm vi thanh tra chuyên đề diện rộng là các chương trình, dự án, công trình có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ. Đối tượng của đợt thanh tra chuyên đề là các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cấp có thẩm quyền liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, việc quản lý và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Nhằm triển khai tích cực hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra diện rộng, Bộ TN&MT đã ra Quyết định số 1127/QĐ – BTNMT ngày 13/6/2014 về việc ban hành kế hoạch Thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ do Bộ TN&MT trực tiếp quản lý.

Phát biểu chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm trước hết, cần phải hiểu và xác định rõ khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, các nguyên nhân dẫn tới nợ đọng cần lưu ý kiểm tra làm rõ chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, đối với việc này khi xác định rõ trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc lập thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, cần lưu ý các dạng sai phạm như công tác lập, thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án không đúng về trình tự, thẩm quyền và thời gian; điều chỉnh dự án khi không thật sự cần thiết với các hạng mục, công việc không cần thiết cho mục tiêu dự án. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định.

Monre

Tin cùng chuyên mục