,

Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước: Kinh nghiệm từ quốc tế

Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo quy hoạch tài nguyên nứớc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này nhằm định hướng tổng thể về tài nguyên nước cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác sử dụng nước. Tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước mang đến những thông tin hữu ích cho Việt Nam.

 

Quy hoạch Tài nguyên nước trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia như Mỹ, Úc, Hà Lan được thực hiện từ cách đây trên 50 năm, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan lập quy hoạch trong khoảng 30 năm trở lại đây. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, quy hoạch tài nguyên nước là một quá trình liên tục cập nhật, theo sự phát triển của kinh tế-xã hội, cần được thực hiện ít nhất 5 năm 1 lần, tầm nhìn ít nhất 20 năm.

*  Nam Phi: Quan tâm đến quy hoạch lưu vực sông xuyên biên giới

Bản quy hoạch tài nguyên nước và vệ sinh (NW &SMP) của Nam Phi vô cùng đồ sộ, gồm có 3 tập, mỗi tập hơn 400 trang. Nội dung của bản quy hoạch này đưa ra các vấn đề ưu tiên mà ngành nước và vệ sinh đang đối mặt. Trên cơ sở đó tìm cách tập hợp tất cả các bên liên quan trong ngành nước ở Nam Phi cùng hợp tác, để đảm bảo rằng đất nước đi trước trước những diễn biến, thách thức ở hiện tại và tương lai.

Quy hoạch giải quyết từng khu vực rủi ro thông qua việc phân tích tình hình, đánh giá các nguyên nhân và đưa ra các hành động cần thiết để cải thiện các vấn đề về nước. Các giải pháp đưa ra bao gồm cải cách thể chế, thu hồi chi phí và cải thiện luật pháp. Quy hoạch quốc gia này rất quan tâm đến quy hoạch lưu vực sông xuyên biên giới, nhưng không nhắm tới việc hướng dẫn quản lý tài nguyên nước ở quy mô lưu vực. Trong nội dung bản quy hoạch này nêu rõ, nếu được tuân thủ, Nam Phi có thể tránh được mức thâm hụt nước dự kiến là 17% vào năm 2030… nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu tất cả các biện pháp được đề xuất được tuân thủ. Quy hoạch chỉ ra, để đạt được sự cân bằng về nước của quốc gia vào năm 2030, quốc gia này phải giải quyết cả mặt cung và cầu của quản lý nước.

* Australia: Mỗi bang tự lập quy hoạch tài nguyên nước

Vấn đề chính trong quy hoạch tài nguyên nước của Australia được đặt ra là làm thế nào để chia sẻ nguồn nước sẵn có để đáp ứng nhu cầu của các thành phố, cộng đồng khu vực, môi trường và các ngành sản xuất kinh tế khác, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu. Australia chia thành 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ. Các tiểu bang chịu trách nhiệm chính về quản lý tài nguyên nước. Australia không lập quy hoạch quốc gia về tài nguyên nước mà các bang tự lập quy hoạch tài nguyên nước cho bang mình. Xét về yếu tố diện tích, địa lý, khí tượng thuỷ văn, quy mô kinh tế, hệ thống chính sách và quản lý thì quy hoạch tài nguyên nước của bang ở Úc cũng được coi như một quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.

 Ví dụ, bản quy hoạch tài nguyên nước Nam Úc , tầm nhìn 2050, nội dung chính của nó bao gồm: - Những thách thức liên quan đến nguồn cung và nhu cầu sử dụng nước. - Quản lý nước trong tương lai. - Những phương pháp đánh giá các dự án liên quan đến nước. - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả. - Thực hiện và giám sát. Nhìn chung các Quy hoạch tài nguyên nước ở Úc được xây dựng cho tất cả các hệ thống nước mặt và nước ngầm (ưu tiên cho các hệ thống lớn hơn hoặc được sử dụng nhiều hơn). Mỗi quy hoạch đều mô tả đặc điểm tài nguyên nước và đưa ra giới hạn khai thác nước dựa trên đánh giá kinh tế, xã hội và môi trường.

Quy hoạch tài nguyên nước Thái Lan đưa ra được ngưỡng giới hạn khai thác nước một cách bền vững trên phân tích môi trường, xã hội và kinh tế (Ảnh: Thavisa.com)

* Hà Lan: Quản lý nước từ trong đất liền ra đến biển

Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia của Hà Lan 2016- 2021, tầm nhìn 2050 là quy hoạch kế thừa tiếp theo của quy hoạch tài nguyên nước quốc gia 2009-2015. Quy hoạch này đưa ra các nguyên tắc, định hướng chung của chính sách nước quốc gia và các mục tiêu chiến lược của chính phủ về quản lý nước trong giai đoạn lập quy hoạch, đây là khung làm việc để đưa ra kế hoạch Quản lý và phát triển Tài nguyên nước quốc gia. Kế hoạch này vạch ra các điều kiện và phương thức thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược trong quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.

Quy hoạch Tài nguyên nước quốc gia này được coi là công cụ nhằm hướng tới xây dưng một hệ thống quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên, chống lại và ngăn ngừa lũ lụt hạn hán, đảm bảo chất lượng nước tốt và một hệ sinh thái khoẻ mạnh, làm cơ sở cho phúc lợi xã hội và sự phát triển thịnh vượng của quốc gia.

Nội dung của bản Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia Hà Lan này gồm có 8 phần. Ngoài phần “Kỳ vọng và chỉ đạo” nêu các nguyên tắc, mục tiêu chung, quy hoạch đưa ra các vấn đề cụ thể về: Quản lý lũ; Nước ngọt; Chất lượng nước; Các vùng nước chính; Biển và bờ biển; Nước và môi trường; Tài chính nước.

* Thái Lan: Đưa ra ngưỡng khai thác nước bền vững

Quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước quốc gia của Thái Lan mới nhất được xây dựng năm 2019. Bản quy hoạch bao gồm các chiến lược và sáu kế hoạch hành động nhằm mục tiêu quản lý nước cho tiêu dùng, đảm bảo an ninh nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, quản lý lũ lụt, quản lý chất lượng nước và bảo tồn tài nguyên nước, khôi phục rừng đầu nguồn và rừng suy thoái, chống xói mòn đất và quản lý và quản trị. Các kế hoạch hành động này được chia ra thành các hoạt động thực hiện cấp bách, hoặc định hướng hoạt động dài hạn, đồng thời ước tính chi phí, và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.

Quy hoạch tài nguyên nước của Thái Lan thể hiện được hiện trạng các nguồn nước, cách thức tài nguyên nước được khai thác và sử dụng hiện tại và khả năng sẵn có trong tương lai. Quy hoạch đưa ra các giải pháp tổng thể các vấn đề tài nguyên nước hiện có trong vùng quy hoạch và trong thời đoạn quy hoạch và giải quyết cả vấn đề về nước mặt, nước ngầm và và các nguồn nước liên quan.

Quy hoạch đưa ra được ngưỡng giới hạn khai thác nước một cách bền vững trên phân tích môi trường, xã hội và kinh tế; xem xét nhu cầu của tất cả các đối tượng sử dụng nước, sự cân bằng giữa các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và các hệ quả môi trường. Quy hoạch còn xem xét các tác động có thể xảy ra của biến đổi khí hậu trong tương lai; đưa ra các phương pháp và quy trình phân bổ tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng khác nhau; đồng thời định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành nước.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục