* Làm rõ điều kiện, cơ chế sử dụng ngân sách trong điều tra cơ bản về tài nguyên nước
Tham gia thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 72 dự thảo luật về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và nguồn phục hồi chưa thật sự hợp lý. Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi, miễn giảm thuế, mức độ, phạm vi ưu đãi v.v được quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư đất đai, thuế, vì vậy cân nhắc nội dung của khoản 1 Điều 72.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, tại Điều 69 dự thảo Luật có quy định về cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tuy nhiên, khoản 1 quy định các trường hợp phải nộp tiền lại chưa rõ ràng, trùng lắp với khoản 2. Việc quy định khai thác nước để phục vụ hoạt động dịch vụ, sản xuất đã bao hàm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên mọi lĩnh vực, kể cả nông nghiệp, trừ khai thác nước sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình thì trùng với khoản 2.
Đồng thời ông Nguyễn Phú Cường đề nghị cân nhắc có thể bỏ khoản 4 Điều 69 vì dự thảo luật nêu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước là nguồn thu ngân sách và việc quản lý sử dụng này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.Về ưu đãi đối với hoạt động bảo vệ, phát triển, tích trữ nước.
Cùng quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh của Quốc hội cho biết, theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát lại, bổ sung yêu cầu nước sinh hoạt và nước nông nghiệp trong diện phải thu tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước. Đối với nước cho công nghiệp thì ở đây được phép khai thác cho sử dụng vào mục đích công nghiệp, nhưng chưa phân định rõ có thu tiền cấp quyền khai thác nước sử dụng cho mục đích công nghiệp hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các chính sách đối với nước sinh hoạt, nước nông nghiệp và nước công nghiệp.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, trong dự thảo luật có có các quy định về các tổ chức, cá nhân được điều tra cơ bản về tài nguyên nước, tuy nhiên, cần làm rõ điều kiện để sử dụng ngân sách nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân này để tham gia vào điều tra cơ bản về tài nguyên nước, cơ chế cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về tài nguyên nước sau khi các cơ quan có chức năng thẩm tra, thẩm định kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên nước.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, thể hiện cô đọng và thể hiện rõ hơn quan điểm quản lý tổng thể thống nhất, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát.
Về điều tra cơ bản chiến lược quy hoạch tài nguyên nước tại Chương II, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định nội dung này trong dự thảo luật. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ hơn phạm vi điều tra cơ bản tài nguyên nước. Nội dung quy định về quy hoạch cũng cần phải rà soát để tránh trùng lắp với các ngành khác và phù hợp với trật tự các loại quy hoạch trong Luật Quy hoạch.
Đối với nội dung về bảo vệ tài nguyên nước tại Chương III, hành lang bảo vệ nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với sự cần thiết quy định về chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước tại Điều 27. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc để đảm bảo tính khả thi đối với quy định cho phép các hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước tại khoản 3 với phạm vi bảo vệ công trình liên quan đến nước, thống nhất về mốc địa chính, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Về điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại Điều 45, bà Lê Thị Nga đề nghị bổ sung nguyên tắc phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên môn, chuyên ngành khác tại điểm a khoản 1 Điều 45.
Cần quy định cụ thể, chi tiết việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước,
* Quy định cụ thể, chi tiết việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Tham gia ý kiến hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc ghi nhận quyền tài sản đối với quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các cá nhân, tổ chức trong Dự thảo hiện còn chưa đậm nét. Điều 47 của Dự thảo mới chỉ quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ. Quy định này hạn chế rất nhiều quyền tài sản của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp, giảm khả năng phân bổ và tận dụng các nguồn lực để sản xuất kinh doanh.
Để khắc phục hạn chế này, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng cần điều chỉnh quy định theo hướng: Mọi tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp đều được ghi nhận quyền, bất kể có nộp tiền hay không nộp tiền cấp quyền, bất kể thuộc diện được cấp phép hay diện được miễn đăng ký, cấp phép. Quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức là quyền tài sản theo pháp luật dân sự, theo đó bao gồm đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, chuyển nhượng, sử dụng làm tài sản bảo đảm và các quyền tài sản khác. Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, tại Điều 48 của Dự thảo quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, đây là điều khoản hết sức quan trọng vì nó là cơ sở để xác lập quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm các nghĩa vụ làm thủ tục và nghĩa vụ tài chính. Vì vậy, cần quy định trực tiếp trong luật, mà không giao Chính phủ quy định ở cấp Nghị định, nhằm bảo đảm tính minh bạch, ổn định của pháp luật.
Đối với nội dung về phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, Điều 68 của Dự thảo quy định các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thuỷ, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông hồ phải được sử đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tài nguyên nước trước. Quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền vì hiện nay, các hoạt động này đều đã phải thực hiện các thủ tục hành chính theo các pháp luật liên quan, gồm: thủ tục về xây dựng đối với xây dựng công trình; thủ tục về khoáng sản đối với việc khai thác cát, sỏi; thủ tục về giao thông đối với việc nạo vét luồng tuyến, xây dựng cầu cảng; thủ tục về môi trường đối với các dự án đầu tư; thủ tục về thuỷ lợi nếu có liên quan đến công trình thuỷ lợi. TS.Đậu Anh Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo trao đổi với các cơ quan liên quan, quy định theo hướng người dân và doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại một cơ quan, các cơ quan khác phối hợp cho ý kiến và ra quyết định cùng một lúc.
Bày tỏ quan tâm đặc biệt đến nội dung dự án Luật này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, hiện nay có rất nhiều loại giấy phép và tên gọi khác nhau như: Giấy phép tài nguyên nước; Giấy phép về tài nguyên nước; Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; Giấy phép thăm dò nước dưới đất; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Đăng ký tài nguyên nước (Điều 9) và Đăng ký khai thác, sử dụng nước và chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ (Điều 81)…
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đề nghị rà soát lại sự trùng lặp hoặc thống nhất giữa các giấy phép, đăng ký (tên gọi, nội dung…) mặt khác phải quy định cụ thể rõ ràng cho từng loại giấy phép bao gồm: Đối tượng phải có giấy phép; Nội dung giấy phép; Thẩm quyền cấp giấy phép; Hồ sơ trình tự, thủ tục cấp giấy phép; Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền, thu hồi; Phí, lệ phí cấp; Quyền, trách nhiệm người được cấp và Trách nhiệm cơ quan cấp… kể cả Đăng ký quy định tại Điều 9 và 81. Các quy định này phải được quy định trong Luật.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật đã quy định mới, bổ sung, làm rõ về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh…Tuy nhiên Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia…đã được quy định trong Luật Quy hoạch 2017 và cũng được quy định lần này tại dự thảo nhưng chỉ nhắc tên không quy định cụ thể về căn cứ, nội dung nhiệm vụ, nội dung quy hoạch và trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch… Vì vậy, cần bổ sung làm rõ các nội dung này tại dự thảo Luật.