,

Họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng - Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều ngày 15/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Hội đồng cấp Bộ thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chủ trì cuộc hop

Tham dự cuộc họp trực tuyến tại các điểm cầu có Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh -  Phó Chủ tịch Hội đồng; cùng các thành viên Hội đồng là đại diện các cơ quan, chuyên gia tài nguyên nước.

Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169.000 km2 . Trong đó, phần lưu vực nằm ở Trung quốc là 81.200 km2 chiếm 48% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Lào là 1.100 km2 chiếm 0,7% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Việt Nam là 88.680 km2 chiếm 51,3% diện tích lưu vực.

Bên cạnh đặc điểm phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô, mùa mưa, nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn đang chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, đặc biệt vào mùa khô nguồn nước có xu hướng giảm, cạn kiệt nguồn nước xảy ra trên diện rộng và tình hình lũ, lụt trong mùa mưa diễn biến phức tạp hơn điển hình như ở các tỉnh vùng thượng lưu sông Hồng. Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông đang có tác động lớn đến nguồn nước chảy về Việt Nam gây nên tình trạng cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô.

Cùng với sự diễn biến phức tạp của nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu và khai thác, sử dụng nước của các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông làm cho lượng nước mùa khô ngày càng có xu thế suy giảm. Trong khi đó, lượng nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, phát triển thủy điện ngày càng tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng, các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp.

Áp lực về phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng, dự báo đến 2050 tăng lên 1,12 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng xả nước thải vào nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ … một số chỉ tiêu ô nhiễm đang vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,6 – 2,3 lần (COD, BOD5, NO2-…). Mặt khác, việc khai thác, sử dụng nước chưa có quy hoạch và chưa quy định chức năng nguồn nước, chưa quy định dòng chảy tối thiểu càng làm cho nguồn nước ngày càng bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ mất an ninh nguồn nước lưu vực sông.

Trong mùa kiệt mực nước sông Hồng và các sông chính hạ thấp làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước mặt của các hệ thống công trình ven sông. Xu thế suy giảm mực nước ngày càng gia tăng làm việc điều tiết các hồ chứa thượng lưu rất phức tạp. Khan hiếm nước trong mùa khô và thiếu nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa đang diễn ra ở nhiều nơi trên lưu vực sông; Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn đang xảy ra trên lưu vực sông. Nhiều công trình khai thác, sử dụng nước chưa được vận hành, khai thác theo đúng thiết kế nhất là các hồ chứa thủy lợi, một số hồ chứa vận hành, khai thác chỉ khoảng từ 68% - 75% năng lực thiết kế công trình;…. Từ thực trạng và những thách thức nêu trên thì việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước, đáp ứng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và các ngành sản xuất công nghiệp; bảo vệ tài nguyên nước, từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất.

Đồng thời, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triểm kinh tế - xã hội; quản lý, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu giám sát thực hiện quy hoạch, một số chỉ số an ninh tài nguyên nước của lưu vực sông phù hợp. Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến, 40% còn lại được giám sát định kỳ; 100% các nguồn nước sông liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học không được san lấp được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ được cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước;…

Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch là duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia; tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tối đa tác hại do nước gây ra; bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia;…

Trên cơ sở đó, phạm vi của Quy hoạch bao gồm phần diện tích lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam với diện tích tự nhiên 88.680 km2 , gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hoà Bình. Đối tượng lập Quy hoạch là nguồn nước mặt, nước dưới đất trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch sẽ triển khai thực hiện các nhóm nội dung chính như sau: Đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước và dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước; Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phân vùng chức năng của nguồn nước; Xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước; Xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; Xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước; Xác định yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước và các hệ sinh thái thủy sinh; Xác định các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước; Xác định khu vực bờ sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở; Xác định khu vực bị sụt, lún đất hoặc có nguy cơ bị sụt, lún đất do thăm dò, khai thác nước dưới đất; đánh giá tình hình, diễn biến, xác định nguyên nhân sụt, lún đất; ….

Sản phẩm quy hoạch bao gồm: Báo cáo tổng hợp; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Bản đồ tổng hợp hiện trạng tài nguyên nước lưu vực sông và Bản đồ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông với tỷ lệ 1/100.000; cùng với đó là danh mục, cơ sở dữ liệu Quy hoạch Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đã phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng cũng nhất trí thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.

Góp ý dự thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến - Ủy viên phản biện 1 đề nghị, Quy hoạch cần cập nhật các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông Hồng - Thái Bình nói riêng như Nghị quyết Đại Hội Đảng XIII đã nêu; Kết luận số 36/KL-TW của Bộ Chính trị ngày 23 tháng 6 năm 2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vị Quốc hội; Công văn số 766/TTg-KTN ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; và các Chủ trương khác liên quan để giải quyết những đặc thù về tài nguyên nước trên lưu vực cụ thể đảm bảo nước cho các mục đích sử dụng, nước cho cảnh quan, phục hồi dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; và tác động của nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, đặc biệt là Quy hoạch cần giải quyết vấn đề xây dựng công trình điều tiết trên dòng chính sông Hồng và phục hồi các dòng sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ-Đáy, Ngũ Huyện Khê.

Cùng với đó, nội dung Quy hoạch cần chỉ rõ về nhiệm vụ, giải pháp lộ trình, kỳ quy hoạch để thực hiện. Trong đó, cần lưu ý những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để giải quyết các vấn đề sau: Có các phương án, giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, lãng phí sử dụng nước trên lưu vực; các giải pháp chi tiết phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm; vấn đề sử dụng nước tạo cảnh quan;… có đề xuất cụ thể về ngưỡng khai thác, dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên từng đoạn sông, đề xuất được các vị trí trên các đoạn sông cần phải cập nhật mặt cắt phục vụ công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch; đối với nước dưới đất, cần phân vùng chi tiết hơn, xác định trữ lượng có thể khai thác, và xác định quy mô, mật độ công trình khai thác cho từng vùng; cần phải có giải pháp, chỉ số kiểm soát việc nạo vét sông, kênh, cải tạo lòng bờ, bãi sông đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận nguồn nước của các đối tượng khai thác, nhất là việc tiếp cận nguồn nước của các công trình thủy lợi hiện có. Quy hoạch phải xem xét tính đến quy hoạch công trình phát triển tài nguyên nước trên dòng chính sông Hồng kết hợp tạo nguồn cung cấp nước cho hệ thống lấy nước ven sông, tạo cảnh quan ven sông và những tác động của nó về mặt lợi ích kinh tế-xã hội môi trường và tác động đến tiêu thoát lũ trên dòng chính sông Hồng;….

Ông Dương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước góp ý, Quy hoạch cần làm rõ hơn mối liên quan của Quy hoạch với các Quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành liên quan như Quy hoạch thủy lợi, Quy hoạch đê điều, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó,  cần rà soát và phân tích đầy đủ hiện trạng và vấn đề của từng nội dung quy hoạch để có cơ sở đưa ra các mục tiêu quy hoạch phù hợp; bổ sung công trình phục vụ tưới cho nông nghiệp, đặc điểm nhu cầu tưới cho nông nghiệp theo tháng, mùa, năm…

Đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đề nghị đơn vị chủ trì thực hiện Quy hoạch xem xét bổ sung các phân tích về đặc điểm tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình (bao gồm cả phần trong nước và quốc tế), sự biến động nguồn nước từ nước ngoài chảy vào, nguồn nước trong lưu vực và nguồn nước hạ lưu trong những năm vừa qua để từ đó có cơ sở lập quy hoạch; bổ sung nội dung đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước mặt, tình hình ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; làm rõ những loại hình sản xuất có xả thải, hiện trạng hệ thống xử lý nước thải; việc chấp hành của các cơ sở xả thải và hiệu quả trong xử lý nước thải trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình;…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu tài liệu một cách nghiêm túc để đưa ra những ý kiến đóng góp rất chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn, cũng như các quy hoạch của các ngành có liên quan.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng cũng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng với các đơn vị tài nguyên nước của Bộ nghiên cứu, tiếp thu tất cả các ý kiến của các thành viên hội đồng tiếp tục hoàn thiện bản Quy hoạch trước khi trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục