,

Giám sát vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ

Công tác quản lý tài nguyên nước 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai tích cực, trong đó thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; xây dựng dự thảo Thông tư lĩnh vực theo thẩm quyền ban hành của Bộ phục vụ hướng dẫn công tác quản lý tài nguyên nước thống nhất trên cả nước. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và lưu vực sông Ba.

Thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. Tăng cường công tác cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, thực hiện phân bổ nguồn nước hợp lý cho các mục đích sử dụng nước. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước: Đã triển khai trên phạm vi 05 khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cụ thể, đã khoanh định các vùng có khả năng chứa nước, tiến hành điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đã thiết kế và thi công các dạng công tác điều tra, tìm kiếm, đánh giá các nguồn nước dưới đất; xác định các nguồn có khả năng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, đánh giá trữ lượng, chất lượng, tính toán lượng nước dưới đất có thể khai thác cho từng vùng, từng công trình khai thác; đã xác định hành lang, tuyến, vị trí xây dựng công trình khai thác nước dưới đất. Đối với các vùng thuộc 34 tỉnh đã hoàn thành, dự án đã điều tra, tìm kiếm và phát hiện các vị trí có triển vọng cung cấp nguồn nước dưới đất ở các vùng được lựa chọn; đánh giá trữ lượng, chất lượng, tính toán lượng nước dưới đất có thể khai thác cho từng vùng, từng công trình khai thác; đã xác định hành lang, tuyến, vị trí xây dựng công trình khai thác nước dưới đất. Tổng số công trình có thể đưa vào khai thác sử dụng là 433 công trình, với tổng lưu lượng khai thác đạt hơn 110.000 m3/ngày so với nhu cầu 83.000 m3/ngày, trung bình đạt hơn 180%. Các công trình khai thác đã được kết cấu, xây dựng kiên cố, đạt mục tiêu khai thác, sử dụng lâu dài với lưu lượng đảm bảo và chất lượng nước tốt; nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.4 triệu người.

Trong đó, khu vực Bắc Bộ: đã thực hiện ở 11 tỉnh với số lượng 167 công trình khai thác, tổng lưu lượng đạt hơn 28.000 m3/ngày; Khu vực Bắc Trung Bộ: đã thực hiện ở 04 tỉnh với số lượng 76 công trình khai thác, tổng lưu lượng đạt hơn 16.000 m3/ngày; Khu vực Nam Trung Bộ đã thực hiện ở 06 tỉnh với số lượng 72 công trình khai thác, tổng lưu lượng đạt hơn 10.000 m3/ngày; Khu vực Tây Nguyên: đã thực hiện ở 04 tỉnh số lượng 87 công trình khai thác, tổng lưu lượng đạt hơn 6.700 m3/ngày; Khu vực Nam Bộ: đã thực hiện ở 10 tỉnh với số lượng 46 công trình khai thác, tổng lưu lượng đạt hơn 81.000 m3/ngày;

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính; tăng cường triển khai sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử, chứng thực chữ ký số; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 16 thủ tục hành chính và mức độ 4 đối với 05 thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục