,

Đảm bảo an ninh nguồn nước trước các hoạt động phát triển

An ninh nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu tất yếu khách quan, trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.c

Nước ta có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, với địa thế, địa hình của Việt Nam, tài nguyên nước đang phải đối mặt với các thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới và ở hạ nguồn. Tài nguyên nước chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng lưu. Các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc khai thác sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là trên lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động khai thác, sử dụng nước, phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn còn có nguy cơ cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước của nước ta.

Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước. Tài nguyên nước của nước ta phân bố không đều theo không gian và thời gian. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến thành phố Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi có khoảng 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lưu vực sông Đồng Nai, chỉ có 4,2% lượng nước, nhưng đang đang góp khoảng 30% GDP của cả nước. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi đó khoảng 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20 - 30% lượng nước cả năm. Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70-75% lượng nước trung bình.

Tính đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới. Vấn đề cần tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong tập trung vào các giải pháp như:

Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội. Tiến tới soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước như điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước…, theo phương thức xã hội hóa; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước. Đồng thời, cần phải rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân và các hoạt động quản lý tài nguyên nước để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh nguồn nước. Quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ ngành quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các hành lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước. Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao…, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn; hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục