,

Cần thiết thành lập Ban Quản lý lưu vực sông

Cần thành lập các ban quản lý lưu vực sông để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và cứu các dòng sông "đã chết" là ý kiến được các đại biểu thảo luận tại hội thảo Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức tại Vĩnh Phúc.

 

Theo các đại biểu, Luật Thủy lợi năm 2017 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân phối tài nguyên nước. Trong khi đó, theo quy định tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thì Bộ Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Một nhiệm vụ phân phối tài nguyên nước mà 2 Bộ cùng thực hiện là chưa bảo đảm tính thống nhất, có thể gây mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện và làm giảm hiệu quả quản lý nước giữa các Bộ.

Mặt khác, việc quản lý theo lưu vực sông hay quản lý theo hệ thống công trình thủy lợi là phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới hiện nay vì nguồn nước hình thành trọn vẹn trên một lưu vực sông nên việc đánh giá về số lượng và chất lượng sẽ chính xác và đầy đủ nhất theo phạm vi khép kín đó. Thông thường chiến lược phát triển kinh tế, xã hội được xây dựng theo tỉnh và nhu cầu nước và các vấn đề liên quan tới quy hoạch, điều tra, khai thác, sử dụng, bảo tồn và phát triển cho các tỉnh cũng khác nhau do cơ cấu của các loại hình và hoạt động kinh tế đặc thù của tỉnh. Do đó, nếu như không có sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông, sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng nước giữa các tỉnh. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị, vấn đề thành lập các ban quản lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Quản lý theo lưu vực sông góp phần quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước, tránh xung đột chồng chéo

Đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu về thành lập các ủy ban quản lý lưu vực sông, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phân công, phân cấp hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực sông thì không thể để nhiều bộ Luật quản lý một con sông mà cần phải có “nhạc trưởng” để chủ trì và nhiều đơn vị phối hợp quản lý là điều bắt buộc phải hướng tới. Trách nhiệm an ninh nguồn nước là tất cả các bộ, ngành, địa phương nhưng phải có một cơ quan đầu mối để tổng hợp, điều hành.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam, Quy hoạch và quản lý lưu vực là những nội dung quan trọng và liên quan chặt chẽ với nhau trong quản lý tài nguyên nước. Quy hoạch tài nguyên nước được quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) . Tuy nhiên, những quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ thiết yếu trong hệ thống quy hoạch của quốc gia, đặc biệt là việc xác định những vấn đề đặc trưng cho quản lý tài nguyên nước.

Mặt khác, tính chất của nguồn nước ở lưu vực, sự đa dạng của nguồn nước và sự vận động đan xen giữa các nguồn nước ở mỗi khu vực đều đòi hỏi cơ chế quản lý đặc thù và rất cần thiết phải thành lập Ban quản lý lưu vực để quản lý và điều phối hoạt động của các lưu vực sông đó. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và cả dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này chưa luật định được thiết chế tổ chức quản lý lưu vực sông. Vì vậy, GS.TS Lê Hồng Hạnh đề xuất dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này cần luật hóa nội dung này.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục