,

Tiết kiệm nước là quốc sách

Những diễn biến bất thường: rét và hạn nặng trên diện rộng ở cả miền Bắc và miền Nam. Nước mặn lấn sâu vào ĐBSCL, nước sông Hồng  nhiều đoạn gần Hà Nội (HN) chỉ  còn 0,4 mét, mặc dù đã có mưa vừa nhưng mực nước các hồ chứa ở miền Bắc chỉ còn bằng nửa năm ngoái... khiến chúng ta hình dung rõ hơn về nguy cơ thiếu nước, từng bước bị sa mạc hóa của Việt Nam. Một quốc gia dân số đông (86 triệu) nhưng diện tích hẹp núi chiếm ¾, đất cát và đồi trọc khoảng 25 triệu héc ta và đang có xu hướng mở rộng, vừa thiếu nước vừa bị nước biển xâm thực là một thảm họa trong tương lai gần.

Theo số liệu gần đây, lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay là 4.400m3/năm (trong khi thế giới là 7.400m3/năm) và con số này đang sụt giảm nhanh. Tình trạng giảm sút nhanh có nhiều nguyên nhân : Do biến đổi khí hậu, do sông Cửu Long và sông Hồng là các dòng sông quốc tế phụ thuộc vào cách khai thác của nước ngoài nhưng chủ yếu là do hệ thống nước ngầm đang bị phá hoại nghiêm trọng, các dòng sông đang bị ô nhiễm nặng nề và tình trạng lãng phí nước trong sử dụng hiện nay. Nước ngầm cạn dần là do rừng bị tàn phá, đất bị phá vỡ lớp thực bì bảo vệ và bị khai thác quá mức. Vùng ĐBSCL hiện có gần 1 triệu giếng khoan tự làm, nhiều giếng không bảo đảm kỹ thuật, lẫn nước mặn với nước ngọt và việc sử dụng nước rất lãng phí. Nền đất HN đang lún dần do khai thác nước ngầm. Nước sạch của HN, TP. HCM và một số thành phố khác thất thoát gần 40% do vậy việc khai thác nước ngầm càng phải gia tăng. Nước bề mặt cũng bị lãng phí không kém. Hầu hết trong số trên 200 hồ thủy lợi tích nước mưa của nước ta đều đã xuống cấp. Phần lớn các dòng sông, nhất là các dòng sông chảy qua các khu công nghiệp, các làng nghề, các thành phố lớn đều ô nhiễm nặng nề, điển hình là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ và sông Đáy... biến nhiều tỷ mét khối nước sạch thành nước không dùng được. Hiện tượng sông Thị Vải bị ô nhiễm do Vedan chỉ là một thí dụ trong hàng ngàn thí dụ chúng ta đang tiêu diệt dần các dòng sông. Nước trôi hết ra biển, nước bị ô nhiễm, nước còn bị dùng lãng phí. Có thể nói người Việt Nam chưa có thói quen sử dụng hợp lý và quí nước. Mỗi năm, hệ thống thủy nông tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ 30% số nước đưa qua các trạm bơm là được sử dụng có hiệu quả.

Ô nhiễm môi trường, tài nguyên bị cạn kiệt là cái giá phải trả cho sự phát triển kém bền vững, trong đó có tình trạng tài nguyên nước đang bị đe dọa. Cần coi tiết kiệm nước là quốc sách, đưa việc bảo vệ nước trở thành một khoản chi lớn của quốc gia, có Luật Bảo vệ tài nguyên nước và đẩy mạnh việc giáo dục tiết kiệm nước, biết cách sử dụng nước hợp lý cho toàn dân như mọi chính sách tiết kiệm khác. Giáo dục tiết kiệm nước cùng với nó là đẩy mạnh các biện pháp khoa học kỹ thuật trong việc bảo vệ, khai thác nước ngay từ giờ để vài chục năm sau có hiệu quả là vừa, đừng coi là còn sớm.

Monre

Tin cùng chuyên mục