,

Khai mạc Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022

Sáng 12/6, tại Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tới dự, chỉ đạo và điều hành Diễn đàn.

 

small_dai-bieu.jpg

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tham dự hội nghị, về phía các Ban, Bộ, ngành Trung ương có Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Lê Hải Bình; Phó trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng; Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi; lãnh đạo các Bộ: Văn hoá Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…

small_20220612_diendanptktb_trantuananh_2.jpg

Về phía lãnh đạo các địa phương có sự tham dự của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh; Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh; lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  có biển.

Về phía tỉnh Phú Yên, tham dự và phát biểu khai mạc có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Phú Yên…

Hội nghị còn có sự tham dự của Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, kinh tế biển chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thế kỷ của “Biển và Đại Dương”. Đồng thời, đây cũng chính là khu vực sẽ chứng kiến nhiều sự cạnh tranh, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời để có thể khai thác lợi thế này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

small_20220612_diendanptktb_phamdaiduong_2.jpg

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu chào mừng Hội nghị

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”

“Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển như tỉnh Phú Yên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương, cho cả nước.” – Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đại Dương cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế biển ở các địa phương vẫn còn những hạn chế. Từ những hạn chế này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững của từng địa phương, của cả nước, và trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của các khu vực ven biển.

small_bi-thu-duong-ben-le-hn.jpg

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương trao đổi với các đại biểu bên hành lang Diễn đàn

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển hôm nay là cơ hội quan trọng để các địa phương ven biển được ngồi lại với các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực để chia sẻ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc để cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương cho rằng, tỉnh Phú Yên và các địa phương có biển rất mong nhận được những hiến kế, những ý kiến đóng góp, giải pháp hữu ích của các đại biểu dự họp, để trong thời gian tới kinh tế biển sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, thúc đẩy 28 địa phương ven biển nói riêng, cả nước nói chung vươn lên mạnh mẽ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng.

small_20220612_diendanptktb_trantuananh_3.jpg

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ ra rằng, những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan, đó là: Tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng như: quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.

Do đó, tại Diễn đàn này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tập trung thảo luận một số khía cạnh chủ yếu như sau:

Tập trung đánh giá, làm rõ việc tuyên truyền, quán triệt, ban hành các chương trình/kế hoạch thực hiện Nghị quyết; việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng trong Nghị quyết; tập trung đánh giá, làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu về: Các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu đánh giá những kết qủa đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo. Đồng thời, phân tích những thuận lợi, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Nghị quyết.

Cuối cùng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng mong muốn các đại biểu tham dự sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Trung ương những giải pháp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, cụ thể như sau:

small_20220612_diendanptktb_ttr-le-minh-ngan_3.jpg

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Diễn đàn

Thứ nhất là, kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển, phát triển hệ thống giao thông hàng hải các-bon thấp và bền vững, các cảng thông minh và thích ứng với khí hậu cũng như các cơ sở hạ tầng biển và ven biển khác, quy hoạch sử dụng đất đô thị, công nghiệp, vùng bờ và biển để phát triển kinh tế bền vững. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động du lịch dựa vào bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển.

Ngoài ra, cần khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền cũng như ô nhiễm từ tàu và ngư cụ thải bỏ; thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và rạn san hô biển phù hợp với xu thế quốc tế.

small_thu-truong-ngan-ben-le.jpg

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trao đổi với Bà Caiten Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam bên lề Diễn đàn 

Cuối cùng, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, cần tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, cũng như tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường biển và khí hậu, để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục