,

Bộ TN&MT triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 và Luật Đất đai 2024 tại Hậu Giang

Sáng 13/9, UBND tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

 

a-thu-truong-ngan.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Lê Minh Ngân, cùng lãnh đạo Vụ Đất đai, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; Cục Quản lý tài nguyên nước; Trung tâm Truyền thông TN&MT, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT, Văn phòng Bộ. Về phía tỉnh Hậu Giang có ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, bà Mã Thị Tươi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hôm nay, tỉnh Hậu Giang rất vinh dự được đón tiếp Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đến dự Hội nghị triển khai những nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 và Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo ông Đồng Văn Thanh, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai năm 2024. Ngày 01/02/2024, Chủ tịch nước cũng đã ký Lệnh số 01/2024/L-CTN về việc công bố Luật Đất đai 2024. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ông Đồng Văn Thanh cho rằng: Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 và Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành 02 Luật có hiệu lực thi hành cùng với thời điểm của Luật. Luật được ban hành có nhiều quy định đổi mới mang tính đột phá, sẽ là bước tiến mới, tạo dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và đất đai tại địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

"Bên cạnh các điểm mới của Luật và các văn bản thi hành sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước nói chung và của Hậu Giang nói riêng. Việc nghiên cứu, quán triệt kịp thời, hiểu sâu và áp dụng chính xác những nội dung của các quy định về đất đai và tài nguyên nước là rất cần thiết, để các quy định sớm được đi vào cuộc sống", ông Đồng Văn Thanh cho hay.

a-ong-thanh.jpg

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị cần tập trung nghiên cứu những nội dung cụ thể trong Luật, tích cực tham gia thảo luận để các chuyên gia giải thích rõ hơn những vấn đề còn vướng mắc, cần phân tích, xin ý kiến hướng dẫn, giải thích của chuyên gia để việc áp dụng pháp Luật Tài nguyên nước và Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh được đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 - sau khi được thảo luận qua 4 kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, quyết nghị Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, Luật đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung, tập trung vào điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024 - sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch, trong thời gian ngắn, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật, bao gồm: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đã ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư được giao trong Luật.

cuc-nuoc.jpg

Lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước giới thiệu các nội dung về Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Hội nghị

“Đây là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta” - Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

a2-quang-canh.jpg

Câc đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết: Đối với Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023. Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư hướng thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với hiệu thi hành Luật Tài nguyên nước ngày 01/7/2024. Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức. Theo đó, có 4 nhóm chính sách, gồm: 1. Bảo đảm an ninh nguồn nước; 2. Xã hội hóa ngành nước; 3. Kinh tế tài nguyên nước và 4. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước 2023.

Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương. Trong đó, Luật Tài nguyên nước đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật. Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước 2023.

quang-canh3.jpg

Quang cảnh Hội nghị

Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, thực hiện các Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và Luật Tài nguyên nước 2023, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và 4 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đến các đối tượng chịu tác động của các văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua Hội nghị này, các báo cáo viên tập trung vào những các nội dung cơ bản, những nội dung mới gắn với thực tiễn của địa phương; các quý vị đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu và trao đổi làm rõ những nội dung có thể có nhiều cách hiểu khác nhau để Bộ TN&MT giải đáp để thuận lợi, thống nhất trong triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã được nghe các chuyên gia của Bộ TN&MT phổ biến nội dung chỉnh của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024; Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; các nội dung về Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước...

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục