,

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Hội thảo về 4 Đề án hợp tác quốc tế về biển đảo

Bốn Đề án do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam  tổ chức hội thảo trong hai ngày 30 và 31/3 tại Hà Nội, là "Hợp tác quốc tế (HTQT) trong điều tra, khảo sát khoa học trên thềm lục địa và hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", "HTQT để thiết lập hệ thống hải đồ chính xác các khu vực biển, bản đồ các đảo và quần đảo chủ quyền của Việt Nam", "HTQT trong lĩnh vực điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên môi trường biển Việt Nam và dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển đến 2020" và "HTQT để tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý Nhà nước về biển". Đây là những Đề án trong Đề án lớn “HTQT về biển đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với Quyết định số 80 (gọi tắt là Đề án 80).

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mục đích của việc hợp tác quốc tế về điều tra nghiên cứu khoa học công nghệ biển nhằm tiếp cận và sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới, tăng cường năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam trong lĩnh vực điều tra khảo sát biển nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển của nước ta.  Đăc biệt, việc hợp tác quốc tế với các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc còn là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể tiến hành điều tra nghiên cứu khoa học ở những vùng biển và vùng thềm lục địa còn xảy ra tranh chấp.  

Mặt khác, các chương trình, dự án trong nước về điều tra cơ bản biển Việt Nam chủ yếu được tiến hành ở vùng biển ven bờ, còn vùng biển sâu xa bờ và vùng thềm lục địa còn chưa được nghiên cứu điều tra đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Việc mở rộng và tăng cường các hoạt động HTQT về điều tra, khảo sát khoa học trên vùng thềm lục địa và hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực hợp tác về điều tra khảo sát về TN&MT biển, góp phần khẳng định chủ quyền Quốc gia đối với vùng biển Việt Nam. Xây dựng và thực hiên đề án “HTQT về điều tra, khảo sát khoa học trên thềm lục địa và hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” là một cơ hội để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, thông tin, kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực khoa học biển giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế biển. Đồng thời thông qua các hoạt động hợp tác về khoa học công nghệ ở những vùng biển còn tranh chấp để tạo ra cơ sở khoa học cần thiết cho việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển, đặc biệt là đối với vùng thềm lục địa và hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mục tiêu ngắn hạn của Đề án này là có được bộ cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn, môi trường, sinh thái thông qua xây dựng và thực hiện chương trình (dự án) hợp tác điều tra, khảo sát về điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái các vùng biển như vịnh Thái Lan, vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, vùng quần đảo Trường Sa và Hàng Sa; Giúp các nhà khoa học có cơ hội phát hiện những lĩnh vực, xu hướng và nhu cầu nghiên cứu mới, sử dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại, phương pháp nghiên cứu mới; Có được bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp về tài nguyên, môi trường thông qua hợp tác trao đổi thông tin, tư liệu, số liệu của vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trên cơ sở dữ liệu đó phân tích, tổng hợp nhằm nắm bắt và đánh giá được sơ bộ về hiện trạng tài nguyên, môi trường của các vùng biển này; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến để tìm kiếm đánh giá triển vọng khoáng sản ở đáy biển  và khoan thăm dò ở những vị trí có triển vọng nhất đối với những khoáng sản có giá trị kinh tế cao như dầu khí, băng cháy, nước ngầm... ở vùng thềm lục địa.

Thời gian thực hiện Đề án này kéo dài từ 2011 đến 2020.

Monre

Tin cùng chuyên mục