,

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường gặp mặt thân mật báo chí đầu Xuân canh Dần 2010

Tại Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2010 – Lãnh đạo Bộ TN&MT tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp đầu Xuân Canh Dần 2010. Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức, các Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyễn Thái Lai chủ trì cuộc gặp mặt đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của báo giới trong năm qua, tiếp tục là cánh tay nối dài của Bộ trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT và nhấn mạnh năm 2010, trọng tâm của ngành là đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT, tăng cường công tác thanh tra.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân, Thông tấn xã (Việt Nam, Báo Đầu Tư, Báo Đối ngoại - Bộ Công Thương, Báo Đấu Thầu, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo chí và đông đảo phóng viên.

* Báo chí tiếp tục là cánh tay nối dài quản lý Nhà nước về TN&MT của Bộ

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức khẳng định, đối với Bộ và toàn ngành tài nguyên và môi trường, báo chí được đánh giá là phương tiện thông tin đại chúng có tính chính thống, nhanh chóng, sức lan tỏa và hiệu ứng thông tin rộng lớn, dễ dàng tiếp nhận với nhiều đối tượng công chúng. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị phải coi công tác thông tin, tuyên truyền là cánh tay nối dài của quản lý Nhà nước; phải hết sức quan tâm, phối hợp và chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trương tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, trong và ngoài ngành nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, cơ chế, chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng xã hội cùng chăm lo bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Cũng chính qua hệ thống báo chí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời nắm bắt được các phản hồi từ dư luận xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách. Qua đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội; báo chí là lực lượng xung kích đã phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đồng thời tuyên truyền, cổ vũ các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới có nhiều đóng góp, xây dựng và phát triển ngành.

* Những nhiệm vụ trọng tâm của ngành

Trong không khí thân mật của cuộc gặp gỡ, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2010. Đó là triển khai Nghị quyết 27 – NQ/BCSĐTNMT ngày 2/12/2009 về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT trong toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành cho ngân sách Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý Nhà nước về TN&MT, trong đó tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, tập trung hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về TN&MT từ Trung ương đến địa phương.

Vẫn theo Thứ trưởng, năm 2010 sẽ tập trung triển khai Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành cho ngân sách Nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý Nhà nước về TN&MT từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo.

Đối với lĩnh vực đất đai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cho biết, Bộ tập trung xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai, giải phóng các rào cản để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức tốt công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010; báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Quy hoạch sử dụng đất cả nước đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, năm 2010, các đơn vị sẽ xác lập cơ chế cung cầu, chia sẻ lợi ích, phát triển vững bền tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước theo hướng xác lập cơ chế quản lý tài nguyên nước đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng; xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đề xuất giải pháp xử lý, khôi phục.

Bộ cũng triển khai xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), dự kiến dự án Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XII. Luật Khoáng sản (sửa đổi) đẩy mạnh thực hiện “kinh tế hóa” trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản theo hướng giảm cơ chế “xin - cho”; Tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ. Tiếp tục giảm xuất khẩu thô, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp khai khoáng ổn định, bền vững. Theo Thứ trưởng, sẽ đẩy mạnh thi công Đề án điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan - zircon trong tần cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; triển khai thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; xây dựng Đề án điều tra, đánh giá tổng thể bể than đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận; Đề án điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên bauxite Nam Việt Nam…

“Vấn đề môi trường đô thị và công nghiệp diễn ra ngày càng phức tạp, tạo sức ép ngày càng tăng đối với môi trường. Năm 2010, Bộ quyết tâm xử lý dứt điểm các “điểm nóng” gây ô nhiễm  môi trường tại các lưu vực sông: sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; và các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc diện Nghị định số 64 phải đóng cửa, di dời nhưng chưa thực hiện”, Thứ trưởng nói.

Đối với lĩnh vực KTTV và biến đổi khí hậu, sẽ nỗ lực trong dự báo, cảnh báo, kịp thời, chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn, chung sức ứng phó với biến đổi khí hậu. Lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, xác định các giải pháp chiến lược và chính sách thực thi, bố trí các nguồn lực cần thiết để tổ chức và triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy thế mạnh về ứng dụng công nghệ hiện đại, trong thời gian tới Bộ sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tập trung cho công tác đo đạc biển để thu thập số liệu chính xác về địa hình đáy biển, các đảo, hải đảo. Đặc biệt tập trung lực lượng và phương tiện kỹ thuật, công nghệ hoàn thành đúng tiến độ công tác phân giới cắm mốc biên giới, bảo đảm an ninh trên đất liền.

Trong thời gian tới, Bộ chú trọng đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thu thập dữ liệu, thông tin, quy hoạch tổng thể, phân vùng biển làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức khai thác, phát triển kinh tế biển; triển khai thực hiện có hiệu quả hai đề án rất quan trọng của Chính phủ là Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010 (Đề án 47) và Đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông; các cơ quan chủ quản của báo chí; các cơ quan báo chí và phóng viên đã có sự thấu hiểu về ngành TN&MT; đưa tin, bài kịp thời; phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của toàn ngành để độc giả, công chúng hiểu đúng về những nỗ lực, về tinh thần trách nhiệm và vai trò vị thế của ngành TN&MT đối với đất nước.

Báo giới đánh giá cao sự quan tâm của Bộ đối với hoạt động báo chí

Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân    Phạm Thịnh Giang, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN Ngô Hà Thái, Tổng biên tập Báo Đối ngoại Vietnam Economic News Hải Long, Tổng biên tập Báo TN&MT Phạm Mỵ, Tổng biên tập Báo Đấu thầu Nguyễn Trung Nam đã phát biểu chúc mừng kết quả hoạt động của ngành TN&MT  đã đạt được trong năm 2009; đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bộ với báo chí, đặc biệt trong việc thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ TN&MT. Mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của ngành TN&MT từ Trung ương tới địa phương

* Rất mong trong năm 2010, báo chí trong và ngoài ngành sẽ phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt trong những chuyến đi thực tế, để truyền thông về những lĩnh vực của ngành đạt hiệu quả cao hơn”, Tổng biên tập Phạm Mỵ nói.

Tiếp thu đề xuất kiến  nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức khẳng định năm 2010, Bộ TN&MT sẽ có những đổi mới trong hợp tác, tiếp cận, trao đổi giữa Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí để công tác truyền thông về ngành đạt hiệu quả cao hơn. Điều này đòi hỏi có sự nỗ lực tận tâm hơn của các đơn vị thuộc Bộ.

* Phát động cuộc thi báo chí về TN&MT

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng đã công bố Quyết định 356/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT về Cuộc thi báo chí về TN&MT và giới thiệu Thể lệ cuộc thi.

Theo đó, điều kiện dự thi là các tác phẩm đã được đăng phát trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử Trung ương và địa phương từ ngày 1/3/2010 đến ngày 30/11/2010. Tác phẩm báo chí dự giải phải có xác nhận của cơ quan báo chí.

Ban tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi từ ngày 1/3/2010 đến hết ngày 30/11/2010. Ban tổ chức Cuộc thi sẽ tiến hành trao giải thưởng vào dịp gặp mặt báo chí thường niên.

Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi: Báo Tài nguyên và Môi trường, số 79A Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ngoài bì đề rõ “Tác phẩm dự Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường năm 2010”.

Monre

Tin cùng chuyên mục