,

Khai thác bền vững tiềm năng biển đảo

Pavan Sukhdev, Giám đốc điều hành thị trường toàn cầu thuộc Ngân hàng Deutsche (Đức) và là trưởng nhóm sáng kiến nền kinh tế "xanh" của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cảnh báo rằng các rạn san hô ở các đại dương trên thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng do nước biển ngày càng bị axit hóa và sự ấm lên toàn cầu. 20% rạn san hô trên thế giới đã chết, một tỷ lệ đáng báo động. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với các sinh vật biển và cuộc sống của con người... Ở nước ta thì sao?

Tiếp tục cảnh báo nạn  hủy hoại "kho dự trữ gen" của biển

Ở nước ta, theo cảnh báo, 80% rạn san hô biển nước ta nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở tình trạng rủi ro cao.

TS. Võ Sĩ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang - Khánh Hòa) cho biết: Rạn san hô được coi là "kho dự trữ" gen của biển. Cũng như rừng ngập mặn, "rừng" san hô còn có tác dụng che chắn, chống xói lở bờ biển, hải đảo. Đặc biệt, rạn san hô có nguồn cá cảnh phong phú, có thể khai thác phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chưa kể đây còn là tiềm năng du lịch to lớn.

Trong số các nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô, việc đánh bắt hủy diệt được coi là phổ biến và trầm trọng với trên 85% số rạn bị đe dọa ở mức trung bình và cao. Thuốc nổ chẳng những hủy diệt tất cả những gì có trong rạn, trong lòng đại dương, gây ô nhiễm môi trường, mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với sự phục hồi và phát triển (vốn rất chậm) của san hô.

Một kiểu phá rạn san hô nữa là khai thác san hô chết (hay đá vôi san hô) để sản xuất vôi, xi măng, kè hồ nuôi tôm... Một yếu tố khác gây suy thoái rạn san hô là ô nhiễm môi trường biển. Theo tài liệu khoa học, có những khối san hô chỉ tăng trưởng khoảng 1 cm/năm, nghĩa là một khối san hô đường kính 1 mét có thể đã trải qua cuộc đời hàng thế kỷ. Nếu một chiếc neo, quả thuốc nổ phá hủy một khối san hô như vậy, thì hàng trăm năm sau thiên nhiên chưa chắc đã kiến tạo lại được.

Kế hoạch hành động quản lý rạn san hô

Trong khuôn khổ dự án khu vực "Ngăn chặn xu thế suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan", mà Việt Nam là một trong 7 nước thành viên, nhóm làm việc quốc gia về rạn san hô Việt Nam đã soạn thảo kế hoạch hành động về quản lý rạn san hô đến năm 2015. Mục tiêu lâu dài của kế hoạch là ngăn chặn tình trạng suy thoái, bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao lợi ích từ việc sử dụng bền vững tài nguyên.

Và năm ngoái, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án "Bảo vệ rạn san hô khu vực bán đảo Sơn Trà" với mục tiêu tổ chức bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái biển, duy trì tính tự nhiên của thủy sản ở khu vực này. Đề án được triển khai thành 2 giai đoạn từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên theo Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, ít nhất 5ha san hô quanh bán đảo này, nhất là khu vực Bãi Bụt, Bãi Nam bị trầm tích gây chết. Việc nuôi trồng thủy hải sản tự phát ở vùng biển gần bờ cũng tác động xấu đến các rạn san hô và hệ sinh thái liên quan khu vực gần bờ.

Cần một chiến lược  toàn diện về TN&MT biển

Nhìn rộng hơn về bài toán chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau, TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Diện tích rừng ngập mặn giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua. Chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi mất hẳn. Tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao sẽ gia tăng mạnh áp lực lên tài nguyên, các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. 

Để phát triển bền vững biển nước ta, trên cơ sở các định hướng chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cần có một chiến lược toàn diện về TN&MT biển. "Thúc đẩy sự phối kết hợp, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển, giảm thiểu các xung đột lợi ích, phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận yếu tố sinh thái trong phát triển biển và vùng ven biển đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng cần được đưa vào áp dụng ở Việt Nam để phát triển biển bền vững, giữ biển trong lành cho nhiều thế hệ mai sau", TS. Tài nói.

Monre

Tin cùng chuyên mục