,

Hội thảo Quản lý tổng hợp đới bờ tại Việt Nam,Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức: Những ý tưởng khả thi sẽ giúp quản lý tổng hợp bờ biển Việt Nam thành công

“Những ý tưởng khả thi mà các chuyên gia Chương trình đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), các chuyên gia trong nước đưa ra tại Hội thảo này sẽ giúp Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hoàn thiện thiết chế điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất Trung ương và địa phương, quản lý tổng hợp vùng bờ biển Việt Nam thành công trong thời gian tới”. Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu khai mạc Hội thảo “Quản lý tổng hợp đới bờ tại Việt Nam” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp PEMSEA tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức, bên cạnh những hiệu quả to lớn do hoạt động khai thác, sử dụng biển và hải đảo mang lại, việc khai thác và sử dụng này vẫn chưa thực sự bền vững và xứng với tiềm năng. Đó là do phát triển vùng bờ biển thiếu quy hoạch, thiếu phương thức quản lý mang tính tổng hợp liên ngành, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phát triển vùng bờ bền vững thông qua phương thức quản lý tổng hợp là phương thức quản lý hoàn toàn mới, nhằm giải quyết những thách thức trong việc khai thác, sử dụng đa ngành đa mục tiêu. Hội thảo này là một hoạt động khởi đầu trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) giai đoạn III đã được ký kết giữa Việt Nam và PEMSEA, là cơ sở cho việc hợp tác giai đoạn 2010-2012.

Ông Adrian Ross, Kỹ thuật trưởng Chương trình đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á cho rằng đã ghi nhận sự chủ động của Việt Nam trong việc lập kế hoạch với PEMSEA nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững cho biển Đông Á. “Quyết định 158/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2020, có thể xem là đóng góp to lớn cho mục tiêu này”, ông Adrian Ross nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình bày những báo cáo quan trọng về tổng quan các nỗ lực về quản lý và phát triển bền vững vùng bờ trong nước và quốc tế, những ưu tiên quốc gia cho mục tiêu và chương trình phát triển bền vững vùng bờ, đồng thời giới thiệu chương trình khung 6 năm về triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ đối với Việt Nam. Hàng loạt các ưu tiên quốc gia cho phát triển bền vững vùng bờ đã được PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi giới thiệu, như Chương trình quốc gia về điều tra khảo sát TN&MT biển, xây dựng cơ sở dữ liệu biển, Đề án quy hoạch sử dụng biển và hải đảo, xây dựng chính sách pháp luật về biển, Đề án hợp tác quốc tế về biển…

3 chủ đề chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, là triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương trong phát triển và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ và nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ cấp quốc gia.

Ba tham luận liên quan đến việc xây dựng thể chế quản lý phát triển bền vững vùng bờ đã thu hút sự chú ý của các đại biểu. TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT trình bày Dự thảo Chiến lược Quốc gia về sử dụng bền vững và bảo vệ TN&MT biển, cho biết, Chiến lược này vừa đề ra định hướng nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực nhưng cũng xác định các ưu tiên đột phá chiến lược nhằm định hướng tốt nhất cho các cấp các ngành và toàn xã hội trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển giai đoạn 2011-2020.

Trình bày các chính sách, văn bản pháp luật quốc gia về biển, TS. Nguyễn Thị Như Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, lưu ý chính sách pháp luật về biển còn phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất nên khó khăn trong áp dụng. Việc thực thi pháp luật về biển còn gặp khó khăn. “Cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật đã ban hành. Nghiên cứu rà soát sửa đổi bổ sung hoàn thiện theo hướng quản lý tổng hợp thống nhất. Tăng cường hợp tác quốc tế về biển, đào tạo nguồn nhân lực…”. TS. Vũ Sỹ Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển – hải đảo, trình bày những tiến bộ, thách thức và hạn chế trong thực hiện Quyết định 158 của Chính phủ.

*PEMSEA là một tổ chức khu vực đã có quan hệ gắn bó với Việt Nam, với  Bộ TN&MT từ nhiều năm nay. Mối quan hệ hợp này đã mang lại lợi ích cho cả hai phía. Trong khuôn khổ hợp tác với PEMSEA, năm 2003, Việt Nam đã ký cam kết thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA), đã phối hợp tiến hành một số hoạt động thí điểm về quản lý động hợp vùng bờ biển, tham dự các hội thảo, tập huấn khu vực và quốc gia, một bộ phận cán bộ của Việt Nam được đào tạo nâng cao năng lực và cộng đồng dân cư một số khu vực đã được nâng cao về nhận thức quản lý tổng hợp vùng bờ biển… Ngược lại, với sự tham gia của Việt Nam, phạm vi hoạt động của PEMSEA được mở rộng, những bài học có được từ Việt Nam cũng góp phần bổ sung thêm vào kho tàng kinh nghiệm hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ biển chung cho cả khu vực và quốc tế.

Monre

Tin cùng chuyên mục