,

Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ II- Từ cảng nước sâu đến khu kinh tế biển

Ngày 19/3, tại thành phố Quảng Ngãi , Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi  đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ II với chủ đề: “Từ cảng nước sâu đến khu kinh tế biển”. Diễn đàn này là sự kết nối của Diễn đàn Thương hiệu biển Việt  Nam  lần thứ I được tổ chức tại Quảng Ninh tháng 6/2009 với chủ đề “Thương hiệu biển Việt Nam: Kết nối địa phương và quốc tế”. Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Văn Đức- Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đặng Huy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi; UBND các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định cùng hơn 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ngành, các học giả, diễn giả, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn tỉnh...    

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Diễn đàn thương hiệu biển Việt   Nam   lần thứ II là một sự kiện lớn, quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước về biển và hải đảo của nước ta trong năm 2010. Diễn đàn được tổ chức tại Quảng Ngãi - một địa phương đang có những thay đổi nhanh chóng với các dấu ấn mang đậm sắc thái của biển. Thứ trưởng hy vọng rằng, “Từ Hạ Long đến Quảng Ngãi” ý thức về thương hiệu, hành động về thương hiệu sẽ được nhân lên, được cụ thể hóa bằng những giải pháp tạo dựng hình ảnh về thương hiệu biển, góp phần nâng cao vị thế của các sản phẩm biển Việt Nam trên thị trường. Do vậy diễn đàn lần này sẽ góp phần đặt nền móng cho một nền kinh tế biển Việt  Nam  phát triển theo hướng bền vững, có thương hiệu, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế Việt   Nam   trong xu thế hội nhập quốc tế.      

Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ông Nguyễn Xuân Huế giới thiệu tổng quát về tình hình phát triển của Khu kinh tế Dung Quất và nhấn mạnh, thực tiễn phát triển Khu kinh tế ven biển Dung Quất hiện nay đã đạt được một số kết quả khả quan và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006- 2009, riêng KKT Dung Quất đã đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh- trở thành thành viên của “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” vào năm 2006 và tiến lên “Câu lạc bộ 4.000 tỷ” vào năm 2009. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển, ven biển của tỉnh sẽ đóng góp trên 80% GDP và từ 85- 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của các huyện ven biển, hải đảo cao gấp đôi so với thu nhập bình quân chung của tỉnh Quảng Ngãi...     

Tại Diễn đàn, đã có hơn 20 bài tham luận của các đại biểu, nhà nghiên cứu, học giả được trình bày và có nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp về các giải pháp và sáng kiến khả thi nhằm xây dựng thương hiệu biển Việt nam có tầm vóc quốc gia, quốc tế. Nhiều tham luận có nội dung gây được sự chú ý cao và có ý nghĩa thiết thực cho sự phát triển thương hiệu biển Việt Nam như: “Gắn kết xây dựng, quảng bá Thương hiệu biển đối với việc đẩy mạnh kinh tế hóa tài nguyên và môi trường để nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Cư - Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; “Phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam” của ông Trần Huy Đông- Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Các khu kinh tế ven biển trong tiến trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển” của PGS. TS Bùi Tất Thắng- Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Từ ý tưởng đến xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ra biển Đông: Nhận dạng kinh tế biển Việt Nam của Phan Chánh Dưỡng- Giảng viên Đại học Fullbright; “Mô hình cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp- hòn đá tảng của các khu kinh tế biển miền Trung và cả nước” của TS. Trương Đình Hiển - Nghiên cứu viên cao cấp; “Định vị tầm quan trọng của cảng nước sâu trong tiến trình trở thành thành phố công nghiệp Dung Quất” của ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất; “Phát triển cảng biển nước sâu - Tiếp tục định hình một công ty hàng đầu thế giới về điện và nước” của ông Kim Jae Yuong- Phó Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp nặng Doosan (Doosan Vina)…    

Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ II tại Quảng Ngãi  đã ra Tuyên bố thống nhất một số điểm: Về nhận thức, Diễn đàn đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Chiến lược biển Việt nam đến năm 2020; Diễn đàn thống nhất nhận định vai trò to lớn của cảng biển nước sâu gắn với KKT biển như là yếu tố động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc; Diễn đàn cho rằng, để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu gắn với KKT biển và các đô thị ven biển cần phải tiến hành ra soát và qui hoạch dài hạn hệ thống này, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Đồng thời chú ý xây dựng thương hiệu biển ở tầm quốc gia, quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; Diễn đàn thừa nhận việc xây dựng và phát triển thương hiệu “Biển Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm phát triển bền vững các vùng biển và các lĩnh vực kinh tế biển ở nước ta. Thương hiệu biển không chỉ là sống còn, đi cùng quá trình phát triển các doanh nghiệp, các sản phẩm của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển mà còn là các “Điểm nhấn” của một nước Việt Nam mạnh, giàu từ biển trong tương lai theo tinh thần của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.   

Về giải pháp, để xây dựng thành công các cảng nước sâu, các KKT biển và thương hiệu biển Việt Nam mang tầm quốc gia, quốc tế, Diễn đàn kiến nghị 8 giải pháp chính, trong đó,Nhà nước cần sớm ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩn có thương hiệu mạng trong kinh tế biển. Coi việc xây dựng thương hiệu biển Việt nam như là môt Chương trình Quốc gia cần hướng tới để phát triển mạnh kinh tế biển; chú trọng giải pháp qui hoạch và quản lý tổng hợp, thống nhất đối với việc phát triển các vùng biển, dải ven biển và hải đảo theo một chiến lược tổng thể, đồng bộ, hợp lý; rà soát và qui hoạch hoàn chỉnh, hợp lý hệ thống cảng biển quốc gia, bao gồm việc tập trung xây dựng một số cảng biển nước sâu ở các vùng biển Bắc- Trung- Nam gắn kết hiệu quả với phát triển các KKT biển...    

Monre

Tin cùng chuyên mục