,

Triển khai dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai góp phần xây dựng Chính phủ điện tử

Tổng cục Quản lý đất đai đang thí điểm triển khai Cổng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, kết nối liên thông với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử để phục vụ tốt nhất các giao dịch hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử và đã đạt được những kết quả bước đầu trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Ngày 9/12/2019, với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc đã được Chính phủ khai trương đưa vào vận hành chính thức.

Đồng hành cùng Chính phủ, ngay đầu năm 2020, đứng trước bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sớm chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung cao độ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai. Thực hiện rà soát, tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 để tổ chức triển khai tại địa phương, đồng thời tiến hành tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của Bộ TN&MT (Công văn số 1598/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26 tháng 3 năm 2020).

Nhờ chỉ đạo này nên khi Văn phòng Chính phủ có chỉ đạo về việc triển khai kết nối, tích hợp và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai (Công văn số 8871/VPCP-KSTT ngày 23/10/2020) thì: Hầu hết các tỉnh đã sẵn sàng để triển khai kết nối ngay với Cổng dịch vụ công quốc gia; ở Trung ương thì Tổng cục Quản lý đất đai cũng thí điểm triển khai Cổng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, kết nối liên thông với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ động phối hợp với Tổng cục Thuế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn tới các cơ quan đăng ký đất đai ở địa phương.

Kết quả đến nay đã có 04 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bình Định, Thái Nguyên và Tây Ninh triển khai chính thức trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tại Vĩnh Phúc, sau khi tập huấn, mặc dù mới triển khai trên địa bàn của 02 chi nhánh Vĩnh Yên và Bình Xuyên, từ ngày 08/12/2020 đến hết ngày 22/12/2020 đã giải quyết được 46 giao dịch với số tiền giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia là 278 triệu.

Mặc dù mới trong giai đoạn ban đầu nhưng kết quả đạt được đã chứng minh đây chính là một trong những bước ngoặt tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 của Chính phủ.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hệ thống thông tin đất đai (TTĐĐ) và cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai là công cụ để thực hiện tốt nhất công tác quản trị hiện đại; giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân; đây là các yếu tố quan trọng góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước. Hay nói cách khác, Hệ thống TTĐĐ và CSDL đất đai chính là hạ tầng mềm và công cụ để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ QLĐĐ, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Do đó để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Cục Đăng ký đất đai có một số kiến nghị, đề xuất như sau: Trong thời gian trước mắt, nhằm đảm bảo mục tiêu kết nối, tích hợp Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tổ chức triển khai đến các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương để thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ Quý I năm 2021 theo yêu cầu của Chính phủ tại Công văn số 8871/VPCP-KSTT. Tổng cục Quản lý đất đai cần tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức tập huấn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường sớm triển khai nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong Quý I năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ tại điểm a Mục 2 Công văn số 5699/BTNMT-VP ngày 12/10/2020.

Bộ và đặc biệt là các địa phương sau khi kết nối cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân biết đến sự thuận lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng khi thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Về trung hạn, Bộ TN&MT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai trên môi trường điện tử. Trong đó chỉ rõ các giải pháp thực hiện cũng như chỉ đạo các địa phương tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành việc xây dựng và đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành…

Trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế, Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia nhằm tạo nền tảng cho Hệ thống TTĐĐ quốc gia, thống nhất, đa mục tiêu với các quy trình nghiệp vụ được chuẩn hóa, thực hiện thao tác trực tuyến để nâng cao tính hiệu quả của công tác chuyên môn, cũng như cho phép chia sẻ và tiếp cận rộng rãi hơn đối với các TTĐĐ, không chỉ giữa các cơ quan QLNN, mà cả khu vực tư nhân và người dân. Hệ thống này cũng cho phép các bên có liên quan tiếp cận dễ dàng, minh bạch, công bằng hơn các thông tin và dịch vụ đất đai, từ đó, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước, hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và giám sát việc sử dụng tài nguyên đất, hỗ trợ quá trình CCHC và phát triển thị trường đất đai, thị trường bất động sản..

Về dài hạn với mục tiêu trọng tâm xây dựng CSDL đất đai quốc gia và triển khai hệ thống TTĐĐ quốc gia đa mục tiêu, thống nhất trên cả nước đã được xác định trong Nghị quyết số 17/NQ-CP nhằm phát triển Chính phủ điện tử thì về dài hạn cần:

Giành nguồn đầu tư thích đáng cho việc: Hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hệ thống; Thiết lập hệ thống thông tin đất đai đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước, hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và giám sát việc sử dụng tài nguyên đất, hỗ trợ quá trình CCHC và phát triển thị trường đất đai, thị trường bất động sản; đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống TTĐĐ, trong đó nghiên cứu kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai trong tình hình mới, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính hữu ích của hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu để các ngành, các cấp, doanh nghiệp hiểu và ủng hộ.

Nghiên cứu đề xuất nhằm tạo nguồn thunâng cao hiệu quả, duy trì vận hành và bảo trì Hệ thống thông tin đất đai, góp phần tăng nguồn thu quốc gia, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi và kích thích các giao dịch về đất đai. Cần chú trọng vào khâu quản lý, khai thác, cập nhật và chia sẻ dữ liệu, công khai, chia sẻ thông tin; khai thác giá trị gia tăng từ dữ liệu đất đai…

Bên cạnh đó cần đề xuất cải cách đồng bộ hệ thống chính sách thuế nói chung và chính sách thu từ đất nói riêng, duy trì một hệ thống chính sách thuế sử dụng đất gắn với hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính nhằm tăng nguồn thu từ đất. Bởi trong những năm qua nguồn thu từ đất qua tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chưa tính đến các loại phí, lệ phí (kể cả trước bạ), thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đấtđã tăng đáng kể cho ngân sách qua các năm. Cụ thể, nguồn thu từ đất trong 5 năm đạt 617.400 tỷ đồng,từ năm 2015(67.548) – 2019 (184.000), tuy nhiên trong đó thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cơ bản ổn định và chỉ đạt khoảng trên 1.300 tỷ/năm.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục