,

Sửa đổi Luật Đất đai: Nóng vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Một trong 9 nội dung được đặc biệt quan tâm lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, nhiều chuyên gia đã đánh giá cao các quy định của Dự thảo và góp ý nhằm hoàn thiện nội dung này.

 

Cần quy định cụ thể việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

GS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội,  cho rằng, thể chế Nghị quyết 18 NQ/TW, đồng thời nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất thống nhất; bảo đảm khai thác hiệu quả, tiết kiệm và bền vững tài nguyên, tài sản đất đai phù hợp với chức năng sinh thái của đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác quy hoạch hiện nay, Dự thảo Luật đã có các quy định đổi mới so với Luật trước đây về: nguyên tắc lập quy hoạch; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Bổ sung quy định về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất...

GS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, tại khoản 1 Điều 63 Dự thảo cần có quy định: “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch”. Nếu có quy định này, sẽ tạo ra cơ sở khắc phục được tình trạng các quy hoạch sử dụng đất quốc gia bị phê duyệt chậm như trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, tại điểm C khoản 2 Điều 63 Dự thảo quy định: Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực gồm khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là điểm mới so với Điều 38 Luật Đất đai năm 2013.  “Theo tôi, không nên làm quy hoạch sử dụng đất theo ham muốn, vì lợi ích của của một nhóm người nào đó, trên đất nước ta cần có những khu vực đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định”, GS.TS. Phạm Hữu Nghị chia sẻ.

Cũng theo GS. TS Phạm Hữu Nghị, Dự thảo đã có quy định về việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhăm bảo đảm quyền nhân dân tham gia vào các công việc của Nhà nước của công dân. Nó cũng góp phần vào việc bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch của hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Song với các quy định như trong Dự thảo, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra như: Ai là người được lấy kiến? Người dân nói chung hay người đại điện cho dân? Ai là người đại diện cho dân? Người dân là người chịu sự tác động trực tiếp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Vai trò của các chuyên gia như thế nào trong quá trình lấy ý kiến nhân dân? Ngoài hai hình thức lấy ý kiến như trong Dự thảo thì còn hình thức nào nữa không? Nếu tổ chức hội nghị thì cách thức chuẩn bị, nêu vấn đề, tổ chức thảo luận, góp ý kiến, tập hợp ý kiến như thế nào để hội nghị có chất lượng, không mang tính thủ tục thuần túy. Rồi có lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu không? Bao nhiêu % người được hỏi tán thành thì cần đưa vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến không giải trình thì có phải chịu trách nhiệm gì không?

Theo đó, không nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề này mà để việc lấy ý kiến nhân dân nên quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Luật.

Ảnh minh họa

Cần quy định sau 3 năm không triển khai dự án, sẽ hủy bỏ quy hoạch

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đơn vị đại diện sở ngành, luật sư, người dân tại TP Hồ Chí Minh đang đề xuất bổ sung điều khoản khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai, đồng thời nên quy định sau 3 năm không triển khai dự án, sẽ hủy bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi người dân. Bên cạnh đó, các luật sư, người dân TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cần điều chỉnh quy định đối với cán bộ, công chức không được nhận chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất là đất lúa, bởi thực tế phát sinh khá nhiều bất cập

“Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai, làm cơ sở khoanh định quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Để quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả và triệt để thì nhà nước phải đưa ra các quy hoạch kế hoạch sử dụng trước để xác định được hướng sử dụng đất ra sao và việc quy hoạch, sử dụng đất cần theo hướng có lợi cho người dân”, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết thêm.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam cho rằng, so với Luật 2013, dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định cụ thể hơn và khoa học hơn. Tuy nhiên, về quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Góp ý vào điều 71 về rà soát, điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Nghiêm bày tỏ sự thống nhất với các nguyên tắc về căn cứ để điều chỉnh đã nêu trong dự thảo. Đây là các nguyên tắc đúng với điều chỉnh định kỳ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn nên cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch và nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Việc bổ sung yêu cầu này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về giải quyết phát sinh về quy hoạch, sử dụng đất (điều 76), Dự thảo đã nêu được cơ bản những khó khăn cần tháo gỡ trong thực hiện Luật nhưng đây chỉ là những nguyên tắc chung cần được cụ thể hơn và phân rõ trách nhiệm các cấp để Luật đi ngay vào cuộc sống.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục