,

Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở

Sau 3 năm triển khai, Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và thúc đẩy quyền đất đai cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi phía Bắc. Đặc biệt, mô hình giải quyết tranh chấp đất đai thông qua các tổ hòa giải cơ sở được đánh giá cao.

 

Dự án do Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Helvetas phối hợp với Liên minh đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) phối hợp triển khai. Đối tượng thụ hưởng dự án là đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng. Tại Hoà Bình, dự án được triển khai ở 6 xã bao gồm: Thành Sơn, Chiềng Châu và Vạn Mai (huyện Mai Châu); Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn (huyện Đà Bắc).

Bước vào triển khai, Dự án đã tiến hành khảo sát cùng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đưa ra các mục tiêu phương hướng hoạt động cụ thể thiết thực gồm: các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao năng lực về quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức như mít tinh, hội thi sân khấu hóa; hội thảo; truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và xã; lập trang thông tin điện tử về đất đai cho người dân truy cập khi cần thiết; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở, phát hành ấn phẩm sổ tay cẩm nang hòa giải ở cơ sở; triển khai tiểu dự án do các nhóm đề xuất …

Từ năm 2020 đến năm 2023, dự án đã triển khai việc là cung cấp nguồn lực cho các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở và đoàn thể địa phương - những người giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng địa phương giải quyết các vướng mắc về đất đai. Nhờ đó, các tổ hòa giải tại cơ sở đã có nhiều ý kiến đóng góp trong việc xây dựng và giám sát thực thi chính sách liên quan tới quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng. Thông qua đó, tiếp cận thông tin về quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương được cải thiện.

Thông qua các hoạt động của dự án giúp cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nâng cao được nhận thức, nắm bắt hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình về lĩnh vực đất đai; giúp các thành viên của tổ hòa giải ở cơ sở được trang bị các kiến thức và kỹ năng về hòa giải ở cơ sở từ đó tỷ lệ hòa giải thành được nâng lên, không còn đơn thư khiếu nại vượt cấp, giúp địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Dự án cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương cũng như giải quyết những vướng mắc, tranh chấp về đất đai.

Hòa Bình đa dạng hình thức tuyên truyền về pháp luật đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Đặc biệt, để bà con dân tộc thiểu số nắm bắt kiến thức pháp luật đất đai dễ hiểu, dễ nhớ, dự án đã xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng.

Trong 3 năm qua, đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai. Cùng đó, hơn 2.000 người dân được tư vấn về pháp luật đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai.

22 chuyên gia của Liên minh đất đai LANDA và các đối tác địa phương đã tham gia Chương trình đào tạo giảng viên nguồn và được cấp chứng chỉ, trở thành giảng viên cho các khóa đào tạo về hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở.

6 sáng kiến cộng đồng được dự án cấp vốn thực hiện nhằm thúc đẩy quyền đất đai và chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Các gói tài trợ nhỏ này đã giúp cho các hòa giải viên và thành viên các tổ chức đoàn thể ở địa phương thực hành những kiến thức và kỹ năng đã được học, được chính quyền địa phương đánh giá cao và sẵn sàng nhân rộng mô hình.

Theo nhận định từ chính quyền các xã tham gia dự án, kết quả nổi bật nhất là sau khi kết thúc dự án, người dân trên địa bàn xã đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về luật đất đai từ những trang thông tin chính thống để từ đó có những cách giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục