So với quy định tại Điều 15 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 29 dự thảo Luật có một số điểm mới như: Phân quyền cho Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội ban hành nguyên tắc quản lý, sử dụng khoảng không và không gian ngầm để xác định quyền sử dụng đất và điều kiện để cấp giấy phép xây dựng, các quy định về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; ranh giới chiều cao, độ sâu của công trình theo từng ô quy hoạch.
Dự thảo còn quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thi hồi đất nhằm tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân (giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, không có đất thì bồi thường bằng tiền; nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất thì có thể bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất bị thu hồi hoặc nhà ở; chính sách hỗ trợ việc làm cho người có đất bị thu hồi…).
Theo dự thảo, sẽ phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho thành phố Hà Nội. Cho phép Thủ đô được thành lập mới doanh nghiệp do Thủ đô nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô.
Cụ thể, về giá đất, dự thảo Luật quy định, UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất để áp dụng.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định nhiều nội dung về quản lý đất đai
Về thu hồi đất, HĐND thành phố sẽ quyết định cho phép thu hồi đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc dự án cần thu hút nguồn lực đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nơi ở, thu nhập, việc làm và đời sống ổn định.
Thành phố xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bị thu hồi để tạo điều kiện cho các đối tượng này có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng nhà ở.
HĐND TP Hà Nội quyết định tỉ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Về chuyển mục đích sử dụng đất, HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000ha, trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa sang các loại đất phi nông nghiệp phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng. Đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Về quy hoạch đất đai, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: Đối với khu vực đã có quy hoạch đô thị, nông thôn được phê duyệt thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.