,

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư tiếp cận với đất đai

Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Đình Bồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam liên quan đến các quy định về tích tụ, tập trung đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

TS. Nguyễn Đình Bồng cho biết: Trong lĩnh vực nông nghiệp chính sách pháp luật đất đai đã đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất yên tâm hơn trong việc đầu tư tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại và hiệu quả.

* Thưa TS. Nguyễn Đình Bồng, ông đánh giá thế nào về chính sách và tình hình tập trung, tích tụ ruộng đất ở nước ta trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Đình Bồng: Theo tôi, trong quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết về đất đai nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế Thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế hóa chính sách đất đai của Đảng, Quốc Hội đã ban hành Hiến pháp 1980, 1992, 2013 và các Luật đât đai 1987, 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai (1998, 2001), Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013.

Pháp luật đất đai hiện hành ở nước ta quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý theo pháp luật; Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân trong nước sử dụng ổn định lâu dài và cho Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các doánh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất. Quyền của người sử dụng đất được mở rộng từ 5 quyền (Luật Đất đai 1993) lên 8 quyền (Luật Đất đai 2013), quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu, được phép tham gia thị trường quyền sử dụng đất, trong thị trường bất động sản.

Trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng và toàn diện với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong giai đoạn này, Luật đất đai năm 2013 được ban hành đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đã thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp như: mở rộng thời hạn, hạn mức sử dụng đất nông nghiêp... góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nước ta trở thành một nhà cung cấp nông sản lớn trên thị trường thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2020 đạt 41,3 tỷ USD, với thặng dư thương mại 9,5 - 10 tỷ USD ; từng bước khẳng định vị trí nông sản hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, theo kết quả kiểm kê đất đai 2019, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.986.390 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 11.746.456 ha, Nhà nước giao hộ gia đình cá nhân sử dụng 10.570.270 ha, chiếm 90%, các đối tượng khác được giao sử dụng 1.176.186 ha, chiếm 10%. Trên 90 % diện tích đất nông nghiệp Nhà nước giao cho các đối tượng sử dụng đã được cấp Giấy chứng nhận. 

Về hộ gia đình cá nhân sản xuất nông nghiệp, hiện đất nông nghiệp bình quân 1,6169 ha/hộ nông thôn; 2,9952 ha /hộ nông nghiệp; đất sản xuất nông nghiệp bình quân 0,6766 ha/hộ nông thôn; 1,2577ha /hộ nông nghiệp. Chỉ số bình quân đất sản xuất nông nghiệp/hộ nông thôn ở nước ta (0,6766 ha /hộ) chỉ bằng 40% so với Nhật Bản (1,6ha/hộ). Tuy nhiên Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 4,5%, còn ở nước ta 34,5%; Quy mô sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình khác nhau giữa các vùng, do sự khác nhau về diện tích đất nông nghiệp, quy mô dân số, số hộ nông thôn, nông nghiệp.

Về trang trại nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa năm 2020, cả nước có khoảng 30.000 trang trại sử dụng 133.826ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 0,6% đất sản xuất nông nghiệp cả nước), bình quân 4,54ha/trang trại.

Về Hợp tác xã nông nghiệp, theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến tháng 6/2021, cả nước có đó có 17.060 HTX nông nghiệp, bình quân vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng, quy mô 15 lao động; có có 73.757 tổ hợp tác nông nghiệp, quy mô trên 3 tổ viên, vốn điều lệ 46,206 triệu đồng, bình quân 10 - 20 lao động.

Về doanh nghiệp nông nghiệp có 10.065 đơn vị, chiếm 1,3% tổng số doanh nghiệp các thành phần kinh tế. Hiệu quả sản xuất kinh doanh tuy có được cải thiện, nhưng còn thấp. Hiệu suất sử dụng lao động 8,1 lần, thấp hơn so với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (13,1 - 18,5), hiệu suất sinh lời trên tài sản 1%, thấp hơn so với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (3,9 - 1,7); hiệu suất sinh lời trên doanh thu 2,7%, thấp hơn so với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (4,1 - 3,5).

Về tích tụ tập trung đất nông nghiệp: quá trình tích tụ, tập trung đất đai còn diễn ra chậm; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, trong đó, thị trường cho thuê đất phát triển kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp và còn một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

* Vậy đâu là bất cập ảnh hướng tới công tác này, thưa TS?

TS. Nguyễn Đình Bồng: Theo tôi trong việc thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, cụ thể như sau:

Một là: Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay cho thấy: 90% đất sản xuất nông nghiệp do HGĐCN quản lý sử dụng, phương thức sản xuất phân tán quy mô nhỏ, hiệu quả thấp còn phổ biến. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; Lao động nông nghiệp chiếm tới 34% lao động cả nước. Trong khi các tổ chức kinh tế, chỉ quản lý sử dụng 10% đất sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất còn nhỏ. Những hạn chế trên đang là rào cản đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả ở nước ta hiện nay.

Hai là: điểm xuất phát của kinh tế nước ta là sản xuất nông nghiệp thuần nông tự cung tự cấp. Nông dân chiếm đa số trong tổng dân số cả nước, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; nguồn gốc đất nông nghiệp của hộ gia đình được Nhà nước giao đất sản xuất ổn định lâu dài không thu tiền. Chính sách giao đất cho hộ gia đình cá nhân là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở nước ta trong 30 năm qua đã góp phần đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp nông sản hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, việc thực hiện giao đất nông nghiệp bình quân theo nhân khẩu nông thôn (có tốt, có xấu, có gần, có xa, chết không thu hồi, sinh không giao thêm) đã dẫn đến tình trạng ruộng đất manh mún lâu dài, tuy từng bước khắc phục qua “dồn điển, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, nhưng đến nay tình trạng phân tán, manh mún vẫn là phổ biến. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (2011-2020), nông thôn nước ta đã có sự thay đổi lớn. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu dân cư nông thôn cũng có nhiều thay đổi; tuy nhiên dân số nông thôn còn chiếm 65%; lao động nông nghiệp chiếm 34,5% tổng số lao động cả nước. Tỷ lệ hộ hộ nông nghiệp/ nông thôn/cả nước bình quân là 53,99% (theo vùng, từ 31,42% đến 84,75%).

Điều đó cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất chưa đồng bộ với sự chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Do việc chuyển đổi nghề nghiệp chưa bền vững, người dân chưa an tâm, có tư tưởng giữ đất đề phòng lúc khó khăn, vì vậy phần lớn các hộ nông thôn vẫn giữ đất sản xuất nông nghiệp dù không trực tiếp sản xuất.

Ba là: thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp là một thị trường tiềm năng (với trên 10 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, 90% diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nhưng chậm phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp đất nông nghiệp cho các chủ thể sử dụng đất nông nghiệp. Hiện tại, nguồn cung đất nông nghiệp trên thị trường phụ thuộc vào hoạt động của thị trường thứ cấp (giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa các chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật).

Tuy nhiên, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển là do: Những quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong một số trường hợp (chuyển nhượng, cho thuê) còn chặt chẽ; hình thức cho thuê quyền sử dụng đất chưa phổ biến; thiếu quy định cho phép các chủ thể (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng có nhu cầu, năng lực đầu tư vào nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Quản lý đất nông nghiệp còn dựa vào quản lý cây trồng, vật nuôi cụ thể trên đất, không dựa theo đặc tính chất lượng từng loại đất, làm cho người sản xuất khó điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Mặt khác, các thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện “chuyển quyền sử dụng đất” chưa thực sự thông thoáng. Giá đất nông nghiệp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thường thấp hơn so với giá đất thị trường dẫn đến hộ gia đình nông dân không muốn chuyển nhượng, cho thuê mặc dù sản xuất không hiệu quả, thậm chí có nơi còn để hoang. Ngoài ra, tâm lý “giữ ruộng” (nguồn sinh kế) của người nông dân phòng ngừa rủi ro, bất trắc, kể cả khi sản xuất không hiệu quả hoặc khi đã di cư khỏi nông thôn đến đô thị tham gia vào thị trường lao động phi nông nghiệp.

* Ông đánh giá thế nào về những quy định mới liên quan tới việc tập trung, tích tụ đất đai của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

TS. Nguyễn Đình Bồng: Tôi cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng công phu, nghiêm túc đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới đáp ứng yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện các quyền nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.”

Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thức đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá như:

- Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (HGĐCN). Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của HGĐCN không quá 10 lần; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định không quá 15 lần. Theo quy định này diện tích đất cây hàng năm của HGĐCN sử dụng tối đa lên tới 45 ha, diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng 150 ha, vùng Trung du miền núi là 450 ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha. Quy định này đủ lớn để đáp ứng cho HGĐCN có khả năng, có nhu cầu mở rộng quy mô sử dụng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả

- Về đất chăn nuôi tập trung: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất; được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư chăn nuôi tập trung. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án chăn nuôi tập trung.”

- Về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng “Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường có trách nhiệm rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp.” để khắc phục tình trạng quản lý sử dụng đất lâm nghiệp kém hiệu quả.

- Về đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng: “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư”.

- Về tích tụ và tập trung đất nông nghiệp: Dự thảo Luật quy định cụ thể về nguyên tắc và phương thức tập trung và tích tụ đất nông nghiệp. Với những quy định mới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp như vậy, sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khăc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thức đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

 * Để việc tích tụ, tập trung ruộng đất hiệu quả hơn, TS có những kiến nghị với cơ quan soạn thảo về những quy định trong Dự thảo Luật?

TS. Nguyễn Đình Bồng: Tôi nhất trí với những quy định trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt những quy định liên quan đến tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đã nêu trên. Tôi tin tưởng rằng, với những quy định mới này, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư tiếp cận với đất đai; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

Tuy nhiên sản xuất hàng hóa nói chung, nông nghiệp nói riêng phụ thuộc vào các yếu tố: Đất đai - Lao động - Vốn. Vì vậy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đòi hỏi gắn chuyển dịch cơ cấu đất đai với chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ; đồng thời huy động nguồn lực xã hội tăng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Nông nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả. Đó là những vấn đề trọng yếu đặt ra trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, khi Luật Đất đai mới được Quốc Hội thông qua.

 Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục