,

ĐBQH Ma Thị Thúy góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 14-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận vào các nội dung dự án luật.
 

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.

Đại biểu Ma Thị Thúy nhất trí với sự sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Góp ý về bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm tại Điều 44 của dự thảo Luật, đại biểu Ma Thị Thúy nhất trí với quy định mới này và cho rằng, việc mở rộng quyền cho đối tượng thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm là cần thiết, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, đưa quyền sử dụng đất tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng thế chấp quyền thuê đất cho trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm trên các khía cạnh về kinh tế - xã hội, về hoạt động sản xuất kinh doanh để sao cho các doanh nghiệp có thể yên tâm khi ban hành Luật và đánh giá thêm việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng.

Các ĐBQH tỉnh bấm nút thông qua dự án luật.

Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, và quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần, đại biểu Thúy cho rằng cần bổ sung quy định về cơ chế giám sát chặt chẽ, cụ thể hơn về nội dung này.

Về quản lý, sử dụng của công ty nông lâm nghiệp, đại biểu Ma Thị Thúy phản ánh thực tiễn thời gian qua tranh chấp, lấn chiếm còn phức tạp. Đại biểu đề nghị có đánh giá cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để khi quy định các nội dung liên quan tại Điều 185 của dự thảo Luật này nhất là về các quy định giao cho địa phương quản lý để góp phần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong suốt thời gian vừa qua.

Về Văn phòng đăng ký đất đai, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, thực tế tại các đia phương miền núi việc đăng kí đất đai gặp nhiều khó khăn do văn phòng đăng ký đất đai cách xa khu dân cư, đi lại khó khăn. Theo quy định, 2 hoặc 3 đơn vị cấp huyện mới có một văn phòng đăng ký đất đai. Trong khi đó, biên chế được giao thì ít, công việc thì nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Do đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại và xem xét nên quy định Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng là giao trực tiếp trực thuộc cấp huyện, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng trong sáng nay, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội các tỉnh đã biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục