,

Chính sách pháp luật đất đai phát triển kinh tế hợp tác xã

Trên cơ sở thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai cho thấy những yêu cầu, thách thức cần tiếp tục nghiên cứu và giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, sử dụng đất trong bối cảnh hiện nay đối với phát triển kinh tế hợp tác xã.

Làm rõ cơ chế tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp

Pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư, pháp luật đấu thầu và một số pháp luật khác có liên quan vẫn chưa quy định thống nhất về việc doanh nghiệp được quyền tiếp cận đất đai. Luật Đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất, Luật Đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét một trường hợp cụ thể sẽ gây khó khăn cho địa phương quyết định áp dụng hình thức đấu giá, đấu thầu hay quyết định chủ trương đầu tư.

Việc tiếp cận đất đai giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài chưa hoàn toàn bình đẳng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải thuê đất của nhà nước hay nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư thuộc diện thu hồi đất thì phải chờ Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để bàn giao, cho thuê đất; trong khi nhà đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện về mặt kinh tế thì lại không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Ảnh minh họa

Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp

Chủ trương, cơ chế, chính về khuyến khích tích tụ , tập trung đất nông nghiệp được quan tâm. Theo đó, xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã là chủ trương lớn đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012) và Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn, tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Việc thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết đã tạo bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đất đai về chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,… để thực hiện “dồn điền đổi thửa”, quy hoạch lại đồng ruộng, phát triển kinh tế trang trại, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa hoặc là để xây dựng, chỉnh trang lại các khu dân cư, xây dựng nông thôn mới,...

Quá trình này đã góp phần vào việc phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của nhân dân, thay đổi diện mạo của nông thôn mới, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm, việc thực hiện còn chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả, hướng phát triển dài hạn và còn những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Minh bạch về thị trường quyền sử dụng đất

Công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất là yếu tố quan trọng, góp phần hạn chế việc đầu cơ, gian lận trên thị trường, là yếu tố đảm bảo thúc đẩy sự phát triển thị trường quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành đối với vấn đề này vẫn còn những khoảng trống, hoạt động giám sát mới tập trung đối với giám sát công tác quản lý đất đai của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, chưa có các quy định cụ thể về hoạt động giám sát sử dụng đất, giám sát quyền và nghĩa vụ của sử dụng đất; quy định về việc tiếp nhận và giải quyết các các kiến nghị của người dân trong quá trình quản lý, sử dụng đất còn quá mờ nhạt, ý kiến của người dân tham gia ít khi được quan tâm xem xét một cách thấu đáo và chưa có quy định về việc giải quyết các ý kiến đồng thuận hay không đồng thuận của người dân.

Quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, tuy đã gỡ bỏ những hạn chế về mục đích thế chấp song vẫn còn thiếu linh hoạt trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp do chưa cho thế chấp tại các bên cho vay ở nước ngoài, thế chấp của tổ chức kinh tế, người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng hoặc cá nhân.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại sự khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận đất để đầu tư kinh doanh hạ tầng đối với nghĩa trang, nghĩa địa; việc nhận quyền sử dụng đất trên thị trường từ hộ gia đình, cá nhân; thời hạn sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển quyền đất có thời hạn ổn định lâu dài;…

* Đất đai là nguồn lực phát triển kinh tế HTX

Kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho xã viên và người lao động. Thời gian qua, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện và có chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình HTX.

Hướng đến phát triển bền vững mô hình HTX, một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, nền tảng công nghệ tiên tiến cần thiết phải có là một hệ thống chính sách phù hợp với xu thế phát triển. Đất đai là một trong các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, là một yếu tố tác động đến cơ cấu giá thành sản phẩm thì chính sách pháp luật đất đai cũng phải phù hợp với xu thế đó. Đồng thời, hạn chế tình trạng HTX khó khăn tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo các chuyên gia thời gian tới, chính sách, pháp luật đất đai cần thiết tăng cường các giải pháp chính như: Nghiên cứu tháo gỡ các rào cản về thể chế nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong đó có thị trường về quyền sử dụng đất nông nghiệp; điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp... Xây dựng cơ chế khuyến khích việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là đối với việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp tập trung quy mô lớn; Thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (khoanh vùng các khu vực đất trồng lúa cần bảo vệ; quy hoạch sử dụng các khu vực chuyên canh gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ); Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai...

Theo: monre.gov.vn

Tin cùng chuyên mục