Liên quan đến vấn đề này, cử tri một số địa phương đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường thắc mắc về chính sách hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng do thực hiện công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng sớm bố trí vốn, có chính sách nhằm giúp cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên tuyến biên giới.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau khi Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 12 năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh có liên quan đến người dân có đất bị ảnh hưởng sau phân giới, cắm mốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng kế hoạch bồi thường cho người dân theo quy định.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ -TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia thực hiện việc thống kê, đo đạc các phần diện tích vượt quá đường biên giới và hướng dẫn lập dự toán kinh phí và xây dựng phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi kết quả phân giới, cắm mốc trong phạm vi thành quả 84% hoàn thành phân giới cắm mốc.
Các đối tượng bị ảnh hưởng do thực hiện công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia sẽ được hưởng các hỗ trợ phù hợp (ảnh minh họa)
Để làm cơ sở cho Bộ Ngoại giao xây dựng phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khi thực hiện phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2024/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khi thực hiện phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia theo quy định của Nghị quyết số 98/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội.
Quyết định này này áp dụng trên phạm vi 4 tỉnh có biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Vương quốc Campuchia gồm các tỉnh: Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang.
Đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng sản xuất, đời sống do bàn giao diện tích đất đang sản xuất, canh tác trong phạm vi diện tích Việt Nam quản lý quá (tính từ đường biên giới đã phân giới cắm mốc được mô tả tại Nghị định thư phân giới cắm mốc đến đường biên giới quản lý thực tế đã được hai bên công nhận trước đây) khi thực hiện phân giới cắm mốc trên thực địa theo Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 05 tháng 10 năm 2019 và Nghị quyết số 98/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội.
Những đối tượng trên được hưởng các hỗ trợ tương đương mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm phê duyệt phương án hỗ trợ.
Phạm Oanh
Theo Quyết định 01/2024/QĐ-TTg, UBND các tỉnh Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin, số liệu và việc tổ chức thực hiện trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình thực hiện, đặc biệt là đối với người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. |