,

Cần sớm hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu đất đai

Để hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về thúc đẩy chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, hiện đại hóa công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, thời gian qua với sự nỗ lực của các địa phương trên cả nước, sự chỉ đạo tập trung của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các điều kiện cần thiết, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công về đất đai.

 

* 27/63 tỉnh, thành phố chưa triển khai kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) để phục vụ 5 nhóm tiện ích:  Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;  Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo đó, Đề án giao triển khai kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với thủ tục hành chính “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)” ở mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 5/2022.

Cũng tại Đề án 06, Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an kết nối, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai (về chủ sử dụng đất) và các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường khác (thông tin liên quan đến công dân); kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai (quốc gia, địa phương) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để hoàn thành các nhiệm vụ này, trong thời gian qua với sự nỗ lực của các địa phương trên cả nước, sự chỉ đạo tập trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các điều kiện cần thiết, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công về đất đai.

Kết quả đến nay, tại Trung ương, đã hoàn thành việc xây dụng Cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng bao gồm: Dữ liệu Thống kê, kiểm kê đất đai cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ quy hoạch 2010 - 2020 cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Giá đất (Dữ liệu Giá đất xây dựng theo Khung giá đất giai đoạn 2015 -2019, giai đoạn 2020 - 2024); Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai đã xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá thoái hóa đất, đánh giá chất lượng đất, đánh giá tiềm năng đất cấp vùng và cả nước; Dữ liệu tổng hợp địa chính Trung ương đã thống nhất bàn giao mẫu tổng hợp, phần dữ liệu đang được xây dựng trên cơ sở kết quả do địa phương tổng hợp.

Cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương do các tỉnh/thành phố đầu tư kinh phí để xây dựng hạ tầng và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đến nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó có 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng, điển hình một số tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm.

Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ TN&MT phối hợp với các địa phương triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, khối lượng xây dựng cơ sở dữ liệu sau điều chỉnh dự án là 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi cơ sở dữ liệu là 90 huyện). Kết quả đến nay có 69/250 huyện đã hoàn thành nghiệm thu, thực hiện đối soát, tích hợp và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Dự kiến đến 31/12/2022 hoàn thành 180 huyện, đến tháng 6/2023 hoàn thành nốt 250 huyện.

Đồng thời với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, việc kết nối, chia sẻ, khai thác các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan tư pháp... đã bước đầu thực hiện chia sẻ rất hiệu quả, đặc biệt là những thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

Cụ thể như việc trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất đã triển khai cho 24 tỉnh/thành phố và 61 tỉnh/thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia. Việc thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng Dịch vụ công quốc gia tính từ đầu 2022 đến nay có hơn 414.000 giao dịch với số tiền 2.000 tỷ.

Đã triển khai kết nối được 50/63 tỉnh/thành phố (trong đó, 34 tỉnh/thành phố đã kết nối và có dữ liệu; 06 tỉnh/thành phố đã kết nối nhưng chưa có dữ liệu; 10 tỉnh/thành phố đang triển khai), còn lại 13/63 tỉnh/thành phố chưa triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư.

Đã triển khai được 36/63 tỉnh/thành phố (trong đó, 06 tỉnh/thành phố thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ TN&MT; 25 tỉnh/thành phố triển khai theo phương án tích hợp giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ TN&MT với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; 05 tỉnh/thành phố triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh), còn lại 27/63 tỉnh/thành phố chưa triển khai kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, Bộ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ tái cấu trúc quy trình, kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp dịch vụ công thiết yếu của cá nhân “Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” và cung cấp dịch vụ công thiết yếu của tổ chức “Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính” theo Quyết định số 422/QĐ-BTNMT ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2022 và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

* Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL đất đai

Để đẩy mạnh việc thực hiện đề án 06, trong thời gian tới, Bộ TN&MT cần tiếp tục đôn đốc các địa phương chưa triển khai dịch vụ công trực tuyến; các địa phương chưa triển khai kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các địa phương chưa hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đặc biệt đối với các tỉnh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an, các địa phương hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương trên toàn quốc; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các địa phương triển khai, hoàn thành kết nối, liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, cấp tỉnh…

UBND các tỉnh cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ đất đai và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông gắn với chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo Sở TN&MT, Sở TN&MT và các đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý tập trung, khẩn trương: Hoàn thành triển khai việc kết nối, tích hợp và đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục tại Quyết định số 06/QĐ-TTg, Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và hoàn thành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu đất đai hiện có tại địa phương, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn thu từ đất hàng năm, đảm bảo “Hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông” theo đúng mục tiêu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công nghệ thông tin và Văn phòng Đăng ký đất đai trong việc xây dựng, vận hành, chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác. Tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có điều kiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục