Hiện nay, ngành quản lý đất đai được tổ chức theo hệ thống dọc, từ Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường tới các chi cục cấp tỉnh, cán bộ địa chính cấp huyện, cấp xã.
Hiện ngành đang thực hiện 13 nội dung về quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng như xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, bản đồ hành chính, khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, quản lý việc giao, cho thuê, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý đất đai hiện đang tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và tính chất quan trọng, phức tạp của lĩnh vực đất đai. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều nhưng thiếu đồng bộ, ổn định, chất lượng quy hoạch, kế hoạch chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, cơ sở dữ liệu chưa được xây dựng đồng bộ, không cập nhật được biến động. Những hạn chế này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đất đai đang là lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao trong các tranh chấp, khiếu kiện hiện nay.
Trong thời gian tới, Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành quản lý đất đai xây dựng đề án với mục tiêu cụ thể là hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ về về số lượng và chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đai đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, phát luật đất đai một cách đồng bộ, thống nhất. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo phân bổ tài nguyên đất đai hợp lý, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và thực sự trở thành công cụ quản lý Nhà nước về đất đai.