,

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển trả lời phỏng vấn báo TN&MT về Tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 và triển khai sửa đổi Luật - Tập trung chỉ đạo điều hành thống nhất công tác tổng kết và sửa

Luật Đất đai năm 2003 đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đặc biệt quan tâm và đạt được một số kết quả tích cực, có quan hệ mật thiết và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về dân sinh, ổn định chính trị xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, sử dụng đất đai có hiệu quả… đặc biệt phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai thời gian qua phát sinh những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh; tháng 6 năm 2010 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 48/2010/QH12 trong đó có Chương trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Trả lời phỏng vấn báo TN&MT về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 và công tác triển khai sửa đổi Luật, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết:

Việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 để đánh giá những kết quả đã đạt được, ưu điểm, tồn tại trong quá trình thi hành Luật Đất đai và đề xuất những nội dung cần sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của nước ta đến năm 2020 và những năm tiếp theo là rất cần thiết và cấp bách. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003. Trên tinh thần đó Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2010 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng Ban và Lãnh đạo một số Bộ, ngành và mời Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao. Mục tiêu chính của công tác tổng kết là nhằm đánh giá khách quan kết quả thi hành Luật Đất đai năm 2003 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời đánh giá cụ thể từng nội dung quản lý Nhà nước về đất đai để làm rõ những mặt được, những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại. Mặt khác, sẽ làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý về đất đai, thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai, điều tiết các nguồn lợi từ đất đai, trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Làm rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Đánh giá về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền các cấp. Và quan trọng là đề xuất, kiến nghị những nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2020.

Vậy Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy, Ban Chỉ đạo sẽ lập kế hoạch thực hiện, chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả về tổ chức thực hiện các công việc trên phạm vi toàn quốc với đầy đủ các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai như việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật: Lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai; tài chính về đất đai và giá đất; tình hình quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai; công tác tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, cơ sở vật chất và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành quản lý đất đai. Tình hình quản lý và sử dụng đất làm trụ sở các cơ quan, công trình sự nghiệp; sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới; việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong các doanh nghiệp và các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo trong việc tổ chức triển khai các hoạt động, nhiệm vụ theo đúng kế hoạch.

 

Ở cương vị là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, xin Thứ trưởng cho biết tiến độ hoạt động của Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ này?

Ngày 18 tháng 10 năm 2010, Ban Chỉ đạo đã họp lần đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Hoàng Trung Hải. Tại phiên họp này đã thống nhất kế hoạch triển khai, cụ thể: Trong thời gian tới Ban Chỉ đạo sẽ quyết định thành lập 5 đoàn công tác gồm các thành viên Ban Chỉ đạo là Trưởng đoàn, thành viên là cán bộ, chuyên gia của các Bộ, ngành liên quan để thực hiện việc đôn đốc, khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 5 khu vực (Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long); đại diện vùng đô thị, nông thôn và miền núi. Sau khi khảo sát tại địa phương từ cuối năm 2010 đến quý I năm 2011, các đoàn công tác báo cáo kết quả kiểm tra bằng văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ đạo đôn đốc các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thay mặt Ban Chỉ đạo giải quyết các vướng mắc khi có phản ánh của các Bộ, ngành và địa phương về công tác tổng kết thi hành Luật Đất đai. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các đoàn công tác, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Monre

Tin cùng chuyên mục