Hiện nay, phần lớn các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính mới chỉ dừng ở việc lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính dạng số cho riêng từng xã ở một số địa bàn mà chưa được kết nối, xây dựng thành cơ sở dữ liệu địa chính hoàn chỉnh. Việc khai thác sử dụng vì vậy chưa hiệu quả và cơ sở dữ liệu chưa cập nhật thường xuyên.
Để chuẩn bị cho Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, Tổng cục Quản lý đất đai và Cục Công nghệ Thông tin, Tổng Công ty TN&MT phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn này, các địa phương có cơ sở rà soát điều chính dự án tổng thể và các thiết kế kỹ thuật, dự toán về đo đạc lập bản đồ địa chính và đăng ký, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở địa chính của địa phương cho phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển chỉ đạo, việc hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính phải nhìn dài hơi và mang tính tổng thể, để về lâu dài, cơ sở dữ liệu số phải đảm bảo tính pháp lý trong quản lý, khai thác, như cơ sở dữ liệu giấy. Hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính là cơ sở dữ liệu “lõi” có tính nền tảng, nhưng phái đảm bảo tính “mở” để các địa phương có điều kiện triển khai tiếp việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với các lớp dữ liệu bổ sung quan trọng như quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất, giá đất, đất sân gôn, đất lúa…
“Ở các địa phương thống nhất chỉ có một cấp tỉnh quản lý cơ sở dữ liệu địa chính, nhưng khai thác lại hoàn toàn phân quyền, và không chỉ các cơ quan quản lý, cơ quan Nhà nước mà cả các tổ chức, cá nhân sử dụng đất cũng có thể khai thác. Vấn đề thách thức đối với cơ sở dữ liệu đất đai là số liệu phải được cập nhật thường xuyên, đảm bảo số liệu chuẩn xác để khai thác có hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Văn bản hướng dẫn mà Bộ ban hành tới đây vì vậy vừa phải có tính định hướng rõ, vừa phải hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Trước đó, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai Đỗ Đức Đôi trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Hướng dẫn đã được Cục Công nghệ Thông tin thuộc Bộ góp ý thống nhất. Theo đó, Cục đăng ký và Thống kê chủ trì phối hợp với Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai chịu trách nhiệm truớc Tổng cục Quản lý đất đai trong việc tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Lãnh đạo các đơn vị và đại biểu thạm dự thống nhất việc cần có kế hoạch, bước đi phù hợp, đầu tư đồng bộ và chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ nhằm đạt được mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo đúng chỉ đạo của Bộ TN&MT.
Cần nói thêm rằng nhiều năm qua, một số địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính ở nhiều địa bàn gắn với đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Điển hình như Đồng Nai, An Giang, và một số quận, thị xã, thành phố trực thuộc Hải Phòng, Nam Đinh, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh… đã cơ bản xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đã tổ chức quản lý, vận hành phục vụ yêu cầu khai thác sử dụng rất hiệu quả, được cập nhật biến động thường xuyên ở các cấp tỉnh huyện.