,

Phải bám sát quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết khi thu hồi đất

Ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 179-TB/VPCP, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, đối với 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cùng các cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo sâu sát, giải quyết từng vụ việc cụ thể; phải lập hồ sơ đầy đủ thông tin, trên cơ sở đó lập Hội đồng tư vấn để thẩm định. Nếu giải quyết sai thì phải nhận thiếu sót, giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật; nếu không sai thì kết luận, thông báo công khai để mọi người dân biết. Những trường hợp đời sống khó khăn thì có chính sách hỗ trợ cụ thể; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cập nhật, nối mạng để các cơ quan chức năng Trung ương có thông tin đầy đủ, trả lời nhất quán.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ, phải căn cứ quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết khi thu hồi đất. Đặc biệt, việc thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị thương mại phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch từ bước quy hoạch đến phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; phải được thẩm định, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế và phải tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đa số người dân. Khi lên phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư phải mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân tham gia ý kiến, kiên trì vận động người dân chấp hành. Trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế thu hồi cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật; tuyệt đối không sử dụng vũ khí, không sử dụng lực lượng Quân đội tham gia cưỡng chế.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần phải xây dựng chế độ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và cơ chế phối hợp khoa học, hợp lý, rõ ràng để người dân theo dõi, giám sát, hạn chế việc thực hiện không đúng, tiêu cực, vụ lợi; cần bố trí những cán bộ có tâm đức, có trình độ thường xuyên làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở đều phải chủ động nắm chắc tình hình, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người; phải có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh kiên quyết theo quy định của pháp luật với các đối tượng lợi dụng xúi giục, kích động hoặc vì động cơ vụ lợi, thậm chí thu tiền, "ăn chia" tiền của dân.
Trường hợp xảy ra khiếu kiện đông người thì phải cử người có thẩm quyền, trách nhiệm vận động công dân trở về địa phương, các cơ quan chức năng Trung ương phối hợp cùng địa phương xem xét, giải quyết cụ thể; phải vừa vận động, thuyết phục người dân, vừa đấu tranh, xử lý những đối tượng xấu cầm đầu, xúi giục, kích động.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng phải khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi hoặc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi những bất cập trong Luật và Nghị định về đất đai để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước, hoàn thiện quy định về cưỡng chế thu hồi đất.
 

Tin cùng chuyên mục