,

Ông Trần Hùng Phi - Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai): Cấp giấy chủ quyền nhà đất - Tháo gỡ kịp thời mọi vướng mắc phát sinh

Thời gian qua, một số nơi người dân khi làm thủ tục chuyển nhượng nhà, đất hoặc cấp đổi Giấy Chứng nhận vẫn phải nộp sơ đồ nhà đất. Điều này đã gây những thắc mắc trong dư luận. Trao đổi với Báo TN&MT xung quanh vấn đề cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, thủ tục chuyển nhượng nhà đất, ông Trần Hùng Phi - Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết:

- Theo quy định của Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2009 và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/9/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất pháp luật đất đai thì khi đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy Chứng nhận đã cấp (gồm Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) không được yêu cầu người dân phải nộp sơ đồ thửa đất, sơ đồ tài sản gắn liền với đất, trừ các trường hợp:

- Chuyển quyền sở hữu một phần công trình xây dựng;

- Công trình xây dựng đã có sự thay đổi vị trí, diện tích xây dựng, tầng cao so với trên Giấy Chứng nhận đã cấp;

- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu chứng nhận bổ sung quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất.

Trong thời gian qua, theo một số báo đã phản ánh, vẫn có tình trạng cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu người dân phải nộp sơ đồ nhà đất khi làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ nhà đất hoặc cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp mà hiện trạng nhà đất không thay đổi là thực hiện không đúng quy định hiện hành. Tổng cục Quản lý đất đai đã làm việc trực tiếp với các Sở Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo uốn nắn, chấn chỉnh lại.

Theo phản ánh của một số người dân, thời gian làm thủ tục sang tên nhà đất tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay theo quy định mới (là 15 ngày) kéo dài hơn so với quy định cũ (chỉ có 7 ngày), vậy tại sao lại có sự thay đổi này, có thể sửa đổi lại quy định mới cho rút ngắn thời gian hơn được không, thưa ông?

- Tại Điều 21 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT quy định thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày làm việc. Quy định này phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2003 và ngắn hơn so với quy định của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ (quy định từ 30 đến 35 ngày).

Quy định thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT là quy định khung thời gian tối đa áp dụng chung tất cả các địa phương trong cả nước có các điều kiện thực hiện khác nhau. Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực hiện và nhu cầu hồ sơ đăng ký cần phải giải quyết ở địa phương để quy định cụ thể thời gian giải quyết tại từng cơ quan đối với từng loại thủ tục cho phù hợp, nhưng tổng thời gian thực hiện đối với mỗi loại thủ tục không được vượt quá thời gian quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT.

Đối với những địa phương, có các điều kiện thực hiện tốt (có đủ cán bộ chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, điều kiện giao thông thuận tiện), việc cấp Giấy Chứng nhận ban đầu đã cơ bản hoàn thành và số lượng hồ sơ đăng ký biến động phải giải quyết không nhiều; thực tế địa phương có thể giải quyết thủ tục trong thời gian ngắn (7 ngày hoặc 10 ngày) như quy định trước đây của địa phương thì nay Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đó cần quy định thời gian giải quyết thủ tục chuyển nhượng theo khả năng thực hiện thực tế của địa phương.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều địa phương hiện đang rất khó khăn về các điều kiện thực hiện, nhiều nơi chưa thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, nhiều Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đã thành lập nhưng còn rất thiếu nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật (thường chỉ đáp ứng được dưới 30% so với yêu cầu); trong khi ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, số lượng hồ sơ cấp Giấy Chứng nhận và đăng ký biến động hằng năm tiếp nhận để giải quyết ở một Văn phòng Đăng ký là rất lớn (hàng chục nghìn hồ sơ/năm), do đó tình trạng giải quyết thủ tục chuyển nhượng kéo dài thời gian hơn so với quy định còn khá phổ biến, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh như một số bài của báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ đã nêu. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thể điều chỉnh quy định hiện hành để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục chuyển nhượng được

 Theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì Giấy Chứng nhận nhà, đất cũ vẫn có giá trị thực hiện các giao dịch theo quy định. Nhưng tại TP. HCM đã nảy sinh tình trạng người dân phải làm thủ tục cấp đổi sang Giấy Chứng nhận mới trước khi làm thủ tục giao dịch; ông có thể cho biết, như vậy là đúng hay sai ?

- Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT thì khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp các loại Giấy Chứng nhận theo mẫu cũ trước ngày 10 tháng 12 năm 2009, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất sẽ thực hiện xác nhận vào Giấy Chứng nhận đã cấp (kể cả xác nhận trên trang bổ sung của Giấy Chứng nhận đã cấp) mà không phải cấp đổi sang Giấy Chứng nhận mới đối với các trường hợp:

- Thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà không hình thành pháp nhân mới;

- Người được cấp Giấy Chứng nhận được phép đổi tên;

- Giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên;

- Thay đổi thông tin về số hiệu thửa, tên đơn vị hành chính nơi có nhà đất;

- Chuyển mục đích sử dụng đất; công năng sử dụng của công trình;

- Thay đổi thời hạn sử dụng đất, thời hạn sở hữu tài sản;

- Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất sang Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất;

- Thay đổi về hạn chế quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;

- Thay đổi về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện;

- Thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà, công trình;

- Thay đổi diện tích, nguồn gốc tạo lập, hồ sơ giao rừng sản xuất là rừng trồng;

- Đính chính nội dung ghi trên Giấy Chứng nhận đã cấp có sai sót;

- Giấy Chứng nhận đã cấp có nhiều thửa đất mà người sử dụng đất chỉ chuyển quyền sử dụng một hoặc một số thửa đất.

Trường hợp trên trang 4 hoặc trang bổ sung của Giấy Chứng nhận đã cấp không còn chỗ để xác nhận thay đổi thì thực hiện cấp đổi Giấy Chứng nhận gắn với thủ tục đăng ký biến động mà không tách việc cấp đổi Giấy chứng nhận thành thủ tục riêng và không yêu cầu người sử dụng đất phải nộp đơn đề nghị cấp đổi Giấy Chứng nhận.

Trong quá trình giải quyết thủ tục, nếu xem xét đủ điều kiện đăng ký biến động thì Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất sẽ viết Giấy Chứng nhận mới để trình cơ quan có thẩm quyền ký cấp đổi Giấy Chứng nhận, sau đó mới thực hiện xác nhận biến động vào Giấy Chứng nhận đã cấp đổi.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai gần đây có đi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 88 ở một số địa phương, xin ông những nhận xét, đánh giá về tình hình các địa phương triển khai Nghị định quan trọng này ?

- Nhìn chung Việc cấp GCN theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP đang được các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện ổn định, với tiến độ khá nhanh so với trước đây; qua 5 tháng thực hiện, trung bình mỗi tỉnh, thành phố cấp từ 3.000 đến 10.000 giấy; điển hình là Hà Giang 27.100 giấy, TP. Hồ Chí Minh 20.000 giấy, Trà Vinh 15.700 giấy, Vĩnh Long 10.700 giấy; Cần Thơ 8.500 giấy; Sóc Trăng  7.300 giấy; Hải Phòng 5400 giấy; Cà Mau 4000 giấy; Bạc Liêu 3.500 giấy.

Tuy nhiên so với yêu cầu, tiến độ cấp GCN của cả nước hiện nay còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do: Việc cấp GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là công việc khó khăn, phức tạp do một thời gian dài buông lỏng quản lý; phần lớn các trường hợp còn lại chưa cấp giấy đều có nguồn gốc sử dụng rất phức tạp hoặc đang có tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai; đội ngũ cán bộ chuyên môn về đăng ký ở các cấp xã, huyện còn rất thiếu về số lượng và kinh nghiệm chuyên môn; nhận thức về các quy định của pháp luật còn hạn chế; thủ tục thực hiện một số địa phương chậm được cải cách, chưa phù hợp quy định hiện hành, thời gian thực hiện còn kéo dài vượt thời hạn quy định; kinh phí đầu tư cho thực hiện ở các địa phương còn hạn chế so với nhu cầu.

Xin cám ơn ông.

Monre

Tin cùng chuyên mục