Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), có 2 loại hình đô thị sinh thái, đó là đô thị sinh thái cho vùng đô thị mới hoặc là đô thị cũ được sửa chữa, thay đổi trong điều kiện có thể thành đô thị theo kiểu đô thị sinh thái.
Đối với đô thị cũ, cải tạo thành đô thị sinh thái phải mất nhiều thời gian. Ở Nhật, người ta đã cải tạo thành công một khu hải cảng cũ thành đô thị sinh thái. Chính quyền TP Kitakyushu đã đưa ra quyết tâm xây dựng một đô thị sinh thái trên một khu rộng hơn 200 ha, số tiền chi phí lên đến 6 tỷ đô la và phải mất 17 năm. Để thực hiện được điều này cần giải pháp đồng bộ: từ công tác quy hoạch, chương trình phát triển, nguồn kinh phí (bao gồm cả phần cứng cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật, cải tạo nhà dân…), ý thức của người dân…
Đối với đô thị sinh thái được xây dựng mới, thì việc xây dựng thường phải gắn với điểm dân cư hoặc đô thị nhỏ hiện có. Tại Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đang triển khai đầu tư xây dựng Khu Đô thị mới Ecopark tại Văn Giang – Hưng Yên. Mục tiêu mà VIHAJICO hướng tới là xây dựng một Khu Đô thị sinh thái tầm cỡ quốc tế, hội đủ các yếu tố cần thiết để con người sống và hòa hợp cùng thiên nhiên.
Theo Th.s Nguyễn Thị Hạnh – Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), ý tưởng xây dựng mô hình sinh thái rất tuyệt vời bởi nó mang lại cho con người chất lượng sống cao hơn và bền vững hơn, trong đó có cả khu công nghiệp sinh thái, khu dân cư sinh thái. Có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng thành phố sinh thái là: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu. Và với khu đô thị mới Ecopark, những yếu tố này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch HĐQT VIHAJICO cho biết, điều quan trọng nhất với một đô thị sinh thái là chất lượng môi trường sống, đây chính là yếu tố để phát triển bền vững (mô hình đô thị sinh thái cũng chính là mô hình phát triển bền vững). “Chúng tôi tập trung xây dựng khu đô thị theo hướng tránh khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, sử dụng quỹ đất xanh, đất nông nghiệp và không gian mặt nước… sao cho hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống” – ông Hà nói.