Hình thành tổ chức tư vấn giá đất độc lập
Trong những năm qua, người dân khiếu kiện nhiều nhất liên quan đến đất đai, trong đó, tại Hà Nội, tỷ lệ khiếu nại về vấn đề này chiếm 75%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo đất đai gia tăng do cơ chế, chính sách pháp luật về lĩnh vực này chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi, dẫn đến người dân thắc mắc, khiếu kiện về quyền lợi. Xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai, các chuyên gia cho rằng, phải làm rõ được cơ chế thu hồi đất và định giá đất khi đền bù theo hướng sát thực tế.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) khẳng định, những nội dung trong Dự thảo Luật mới đã quy định cụ thể hơn, có những đổi mới về giá đất. Trên cơ sở làm rõ giá đất, sẽ có phương pháp tính toán đối với từng loại đất, đưa ra cơ chế để có được giá đất cụ thể, phản ánh đúng giá thị trường. "Khi Luật mới ban hành, sẽ giảm khiếu kiện đất đai bởi các vấn đề về giá đất, các điều kiện được bồi thường tốt hơn trước" - ông Chính chia sẻ.Trong trường hợp phải định giá đất phù hợp với giá thị trường, việc giao thẩm quyền quyết định giá đất cho cơ quan nào cũng là một vấn đề. Bởi, nếu một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền quyết định về đất đai, lại có quyền quyết định về giá đất, sẽ xảy ra nguy cơ tham nhũng. Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai, trong Luật mới sẽ có cơ chế tham vấn các tổ chức tư vấn giá đất độc lập; có cơ chế, chính sách để hình thành các tổ chức này. Khi người dân hay cơ quan Nhà nước không thỏa mãn với giá đất đưa ra, có thể thuê tổ chức tư vấn giá đất độc lập. Với tư cách độc lập trong việc định giá đất, tổ chức này sẽ tham vấn cho người dân và cơ quan Nhà nước giá đất ở đó bao nhiêu.
Năm 2013, phải cấp xong sổ đỏ
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tiến độ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất (sổ đỏ) tại Hà Nội và TP.HCM chậm nhất so với các địa phương trong cả nước. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ TN&MT khẳng định, trong năm 2013 sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã cam kết điều này.
"Đối với vấn đề thế chấp sổ đỏ vay vốn ở ngân hàng nước ngoài, Hội nghị T.Ư 6 Khóa XI sẽ quyết định vấn đề này. Ban soạn thảo vẫn nhất quán chủ trương đề xuất cho phép thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng nước ngoài, nhưng phải chờ chủ trương. Với trường hợp vay vốn không trả được nợ, về nguyên tắc, bất động sản ở nước nào phải giải quyết theo pháp luật ở nước đó. Đó là thông lệ quốc tế nên chúng ta không ngại" - ông Đào Trung Chính chia sẻ. Ngoài ra, một trong những vấn đề nổi cộm trong quản lý đất đai liên quan đến các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ. Dự thảo Luật mới sẽ có các quy định yêu cầu chủ dự án phải đưa đất vào sử dụng. Nếu để hoang, không sử dụng, Nhà nước sẽ kiên quyết thu hồi. Đây là những quy định rất quyết liệt, nếu những nội dung trong Dự thảo Luật được thông qua, sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong quản lý đất đai.