Ôn lại những chặng đường lịch sử và truyền thống vẻ vang của ngành quản lý đất đai, đồng chí Nguyễn Đức Kiên thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ghi nhận, biểu dương những kết quả to lớn, những thành tựu ngành Quản lý đất đai đã đạt được cũng như chỉ đạo ngành tiếp tục đổi mới, xây dựng, phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Sau 25 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Quản lý đất đai đã trưởng thành vượt bậc, đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực nổi bật. Nổi bật là tham mưu cho Đảng và Nhà nước không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Triển khai đồng bộ hơn công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện quy định về cấp Giấy chững nhận quyền sử dụng đất. Công tác điều tra cơ bản, kiểm kê thống kê đất đai được chú trọng hơn…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói.
Chỉ đạo ngành trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh vào 4 vấn đề ngành Quản lý đất cần quan tâm trong thời gian tới. Đó là tham mưu có hiệu quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về đất đai. “Nhiệm vụ rất quan trọng là trên cơ sở thật khách quan, đánh giá, tổng kết việc tổ chức và thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua. Từ đó tham mưu cho đảng và Nhà nước sớm hoàn thiện pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế chính trị và thực tiễn nước ta trước yêu cầu mới. Đặc biệt là vấn đề sở hữu, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức sử dụng đất có hiệu quả; thời gian giao đất cho hộ gia đình sử dụng; về hạn điền, tích tụ ruộng đất; về tài chính đất đai; về quy hoạch và cơ chế bảo vệ đất trồng lúa…”.
Đó còn là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về các lĩnh vực quy hoach, kế hoạch sử dụng đất; đánh giá và định giá đất; thống kê, kiểm kê đất đai; xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai; thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; về kinh tế hóa lĩnh vực đất đai. “Đây là những vấn đề quan trọng và cũng rất đặc thù của đất đai với tư cách là hang hóa đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân… Phải làm để mọi vấn đề mắc mứu về đất đai được giải quyết triệt để, căn cơ, ổn định lâu dài”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, hai vấn đề cũng cần được ngành nghiên cứu, tập trung sức làm tốt hơn, là tiếp tục công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai và tập trung xây dựng ngành quản lý đất đai vững mạnh.
Để ghi nhận những thành tích và đóng góp to lớn của ngành Quản lý Đất đai trong 65 năm qua, tại Lễ kỷ niệm này, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đó là Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng thưởng cho ngành Quản lý đất đai. Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Quản lý đất đai. Huân chương Lao động hạng nhì cho Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ; Phó Cục trưởng Cục đăng ký thống kê Nguyễn Tiến Khang; nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai Nguyễn Đức Minh. Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 tập thể và 7 cá nhân, là Vụ chính sách và pháp chế, Cục đăng ký và thống kê, Trung tâm điều tra đánh giá tài nguyên đất (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai); Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch; Trưởng phòng Tổng hợp Võ Thị Lệ; Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất Bùi Ngọc Tuân; Phó Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất Phan Văn Thọ; Giám đốc Trung tâm điều tra đánh giá tài nguyên đất Trịnh Văn Toàn; Nguyên quyền Viện trưởng Viện Khoa học đo đạc và bản đồ Nguyễn Dũng Tiến.
Đây là sự quan tâm, cổ vũ to lớn, khích lệ toàn ngành tiếp tục đoàn kết, phấn đấu xây dựng ngành ngày càng vững mạnh, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trân trọng trao tặng bức trướng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành và khẳng định, ngành Quản lý đất đai có được những thành tích và đóng góp trong nhiều năm qua là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, các địa phương và tổ chức đoàn thể, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các nước, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; sự động viên, góp ý, chia sẻ của các cơ quan thông tấn, báo chí.
“Ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Quản lý đất đai cũng cũng là dịp để giáo dục thế hệ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đất đai tiếp bước cha anh, cùng phấn đấu, rèn luyện, để phát triển ngành lên tầm cao mới, với những đóng góp mới vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành Quản lý đất đai phát huy truyền thống tốt đẹp của 65 năm qua, tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Toàn ngành cần tập trung vào 5 nhiệm vụ cụ thể: Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời phân bổ hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai cho các ngành kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh. Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của Hệ thống Dữ liệu Quốc gia. Xây dựng hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai hiện đại về mô hình tổ chức, trình tự thủ tục, công nghệ. Ba là, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu cơ cấu kinh tế và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bốn là, hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như: xóa bỏ bao cấp trong quản lý đất đai trên cơ sở đất đai là nguồn vốn, nguồn nội lực quan trọng của đất nước, phải được định giá theo quy luật của kinh tế thị trường và như là một loại hàng hóa đặc thù trong quá trình giao dịch quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Năm là, tiếp tục kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực.
Có thể khẳng định chưa bao giờ ngành quản lý đất đai lại có cơ cấu tổ chức ngành hoàn chỉnh như hiện nay và là ngành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội về tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh chính trị, an ninh quốc gia. Đến nay, ngành có cơ cấu tổ chức 4 cấp từ Trung ương đến địa phương hoàn chỉnh và hùng mạnh nhất về mọi mặt. Ngang tầm với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Trong báo cáo trình bày tóm tắt sự phát triển của ngành 65 năm, Quyền Tổng cục trưởng Phùng Văn Nghệ cho rằng, cùng với nhiều đổi mới về cơ chế chính sách pháp luật về đất đai, với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT, nguồn lực đất đai đang và sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phấn đấu đến năm 2020 mức thu từ đất đai sẽ chiếm 20-22% tổng thu ngân sách.
Đây là lần đầu tiên ngành quản lý đất đai Việt Nam kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, ngày 3/10 hàng năm, theo quyết định số 850/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ. Đây chính là dịp tôn vinh, cổ vũ, động viên các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tăng cường đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục phấn đấu để ngành Quản lý đất đai Việt Nam phát triển bền vững, như lời phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển tại Lế kỷ niệm.