Từ năm 2008 – 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tiếp nhận 25.238 lượt đơn thư của 10.937 vụ việc, trong đó có 10.820 vụ việc thuộc lĩnh vực đất đai, tập trung chủ yếu là khiếu nại về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 37,89% số vụ việc; đòi lại đất cũ chiếm 17,29%, tranh chấp 19,66%. Số vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ TN&MT chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,9%.
Bộ TN&MT cũng chỉ rõ hạn chế, yếu kém trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đó là, trong tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, ở một số nơi, cấp uỷ và chính quyền chưa sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân. Một số địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân và để xảy ra tình trạng dân khiếu kiện hết nơi này đến nơi khác, kéo dài.
Khi phát sinh khiếu kiện đã không tập trung chỉ đạo giải quyết, thậm chí né tránh, đùn đẩy, dẫn đến tình trạng công dân gửi đơn thư vượt cấp lên Trung ương.
Đáng lưu ý, khiếu tố về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng Chủ tịch UBND huyện lại dành ít thời gian để giải quyết nên nhiều nơi còn những vụ chưa được giải quyết, chất lượng giải quyết chưa cao, dẫn đến tái kiện, thậm chí có những trường hợp vi phạm trong giải quyết khiếu tố.
Hệ thống pháp luật quy định về giải quyết khiếu tố thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, trong một thời gian dài, một số nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Đất đai có các quy định không thống nhất trong việc giải quyết khiếu tố. Đặc biệt, văn bản pháp luật quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tuy đã được sửa đổi nhưng vẫn chưa được giải quyết được những bất cập trong công tác này.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ TN&MT cho rằng, các địa phương cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị 09/CT-TW, các thông báo, kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải quyết đơn thư khiếu tố và tiếp công dân mà không “khoán trắng” cho cơ quan chuyên môn. Vụ việc xảy ra ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết dứt điểm. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, để tăng tính hiệu quả của giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan Trung ương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra trách nhiệm công vụ trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém một cách kịp thời, đúng pháp luật.