,

Hướng tới phát triển thị trường bất động sản bền vững

 Để tạo được một thị trường bất động sản phát triển bền vững cần có các giải pháp tổng thể liên quan đến quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai, tài chính, thuế bất động sản, chính sách điều tiết thị trường bất động sản.  

Hội thảo quốc tế về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia bất động sản đến từ hơn 10 nước trên thế giới là cơ hội để các chuyên gia bất động sản trong nước học hỏi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Thị trường bất động sản phát triển tích cực

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, góp phần đáng kể đối với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều dự án phát triển nhà ở, khu công nghiệp, văn phòng, khách sạn... đã được triển khai đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn trong cả nước.

Trong 10 năm qua, quỹ nhà ở toàn quốc tăng thêm trên 700 triệu m2 (tương đương 70 triệu m2/năm), trong đó nhà ở khu vực đô thị tăng thêm khoảng 225 triệu m2.

Riêng tại Hà Nội, mỗi năm các dự án nhà ở và khu đô thị mới đã cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 triệu m2 nhà ở. Tại TPHCM mỗi năm các dự án cung cấp trên 3,5 triệu m2 nhà ở. Tỷ lệ tăng trưởng nhà ở đô thị bình quân hàng năm đạt trên 15%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc năm 2009 là 16,7 m2/người, khu vực đô thị là 19,2 m2/người, khu vực nông thôn là 15,7 m2/người.

Cả nước hiện có trên 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị mới, dự án kinh doanh bất động sản khác đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó có khoảng 650 dự án khu đô thị mới.

Tăng trưởng tín dụng ổn định, chính sách được hoàn thiện

Tăng trưởng tín dụng trong hoạt động kinh doanh bất động sản đảm bảo tương đối ổn định. Tính đến tháng 7/2010, tổng dự nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 210.770 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả thống kê cho thấy, cuối năm 2009, cả nước có gần 500 dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, trong đó có nhuề dự án tập trung vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn

Hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng nhà đất tại các dự án nhà ở, dự án khu đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ, có chất lượng nhà ở và môi trường tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn thu hút được khách hàng và lượng giao dịch thực tế vẫn đạt tỷ lệ tương đối cao. Nhu cầu thuê văn phòng, trụ sở làm việc ngày càng tăng. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung, hoạt động giao dịch bất động sản  trong thời gian tới được dự báo tiếp tục phát triển, đặc biệt là đối với các loại bất động sản là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực phát triển nhà ở và lĩnh vực bất động sản cũng ngày được hoàn thiện và bổ sung. Ngoài một số bộ luật quan trọng liên quan tới lĩnh vực bất động sản Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn đã được Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền.

Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình vận hành của thị trường bất động sản như vấn đề xác lập quyền sở hữu công trình xây dựng cho các tổ chức, cá nhân; việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng dự án đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc hài hoà giữa lợi ích Nhà nước, của nhà đầu tư và của tổ chức, cá nhân có tài sản nhà đất bị thu hồi…

Quy định cho phép các chủ đầu tư được chuyển nhượng dự án là một trong những bổ sung quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản.

Các chủ thể tham gia hoạt động trong thị trường bất động sản ngày càng đa dạng do không chỉ gồm  các doanh nghiệp Nhà nước mà đã được khuyến khích, mở rộng đối với nhiều thành phần kinh tế. Số lượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư ngày càng tăng.

 Để thị trường phát triển ổn định

Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn bộc lộ những khiếm khuyết và chưa thực sự ổn định, còn tồn tại nhiều bất cập cần tập trung giải quyết.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, tính minh bạch của thị trường bất động sản trong tất cả các khâu hoạt động của thị trường, từ hoạt động đầu tư, tạo lập bất động sản đến hoạt động giao dịch, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản còn nhiều hạn chế. Tình trạng đầu cơ ở không ít địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn dẫn tới sự hoạt động của thị trường bất động sản còn thiếu bền vững và ổn định.

Tính cạnh tranh của thị trường bất động sản còn thấp, nhất là đối với thị trường sơ cấp. Cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư mặc dù đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên việc áp dụng trong thực tiễn còn nhiều hạn chế, thậm chí có những vấn đề chưa được triển khai…

Giá bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo lập nhà ở của đại bộ phận người có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua thị trường phát triển chưa đảm bảo sự cân đối, các nhà đầu tư chỉ tập trung quan tâm tới các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới để bán cho những người có thu nhập cao. Trong khi đó các dự án nhà ở để bán trả dần hoặc cho thuê dành cho các đối tượng có thu nhập thấp chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, để tạo được một thị trường bất động sản phát triển bền vững, thời gian tới cần có các giải pháp tổng thể liên quan đến quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai, chính sách thuế, thị trường và dịch vụ bất động sản, chính sách điều tiết thị trường bất động sản...

VGP News

Tin cùng chuyên mục