,

Hội nghị khoa học quốc tế: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại

Ngày 10/9 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại tại Việt Nam” do Bộ TN&MT tổ chức, trong khuôn khổ những hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai VN. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển tới dự. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, ngành quản lý đất đai cần phát triển một cách bền vững trong điều kiện phải đối mặt với nhiều thách thức. Cần tiếp tục hoàn thiện và tăng cường năng lực bộ máy, nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện chính sách pháp luật, triển khai đồng bộ nhiệm vụ hiện đại hóa ngành.

Hội thảo còn có sự tham dự của các vị thứ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại sứ và đại diện của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Hà Lan, Thụy Điển, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…, lãnh đạo và cán bộ các cơ quan nghiên cứu đào tạo, lãnh đạo Tổng cục Đất đai và đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, các Sở TN&MT, thảo luận những vấn đề như kinh nghiệm quy hoạch sử dụng đất, giá đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng thị trường bất động sản, ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai.

Kinh nghiệm và ý tưởng được chia sẻ tại Hội nghị hết sức bổ ích cho các đại biểu tham dự trong quá trình phối hợp với Bộ TN&MT nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, trước khi có Luật Đất đai 2003, nguồn thu từ đất chỉ đạt khoảng 4000 tỷ một năm, thì năm 2009, nguồn thu này đã tăng gấp 10 lần, đạt 40.000 tỷ đồng. “Nếu quản lý Nhà nước về đất đai một cách bài bản chặt chẽ đúng luật  hơn, nguồn lực thu từ đất sẽ còn hơn nhiều’, Bộ trưởng nói.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã cảm ơn và ghi nhận sự ủng hộ tích cực, những nguồn hỗ trợ và hợp tác quý báu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); của Chính phủ các nước Thụy Điển, Australia, New Zealand, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn tài chính và kinh nghiệm chuyên môn cho Việt Nam trong tiến trình phát triển ngành Quản lý đất đai.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cho biết, ngành quản lý đất đai đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực về đảm bảo quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất rất lớn để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đó là chưa kể áp lực trong bảo vệ, bồi bổ, mở rộng quỹ đất trước tình trạng thoái hóa, suy giảm nguồn tài nguyên đất do các nguyên nhân tự nhiên hoặc con người. Sự khác biệt về lịch sử và tập quán sử dụng đất của các vùng miền cũng là một trở ngại cho việc hoạch định và thực thi chính sách pháp luật một cách thống nhất.

Chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua thách thức đó, Ông Tommy Osterberg, đại diện cơ quan quản lý đất đai, Bộ Môi trường Thụy Điển cho biết, tại Thuỵ Điển, quy hoạch sử dụng đất tổng thể, quy hoạch phát triển nhà ở chi tiết đều phải đảm bảo lợi ích chung quốc gia. Chính sách thị trường đất đai đô thị phải đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai đúng lúc, đúng chỗ; chống thu lời bất chính từ đất, chống đầu cơ bất động sản. Kinh nghiệm của Cơ quan địa chính, đất và đo đạc Kadaster, Hà Lan do Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế Rik Wouters trình bày lại nhấn mạnh tới tầm quan trọng của quản lý đất đai điện tử. “Thông tin đảm bảo minh bạch hơn, phổ biến hiệu quả hơn, nhanh hơn, nhiều phương thức hơn, công cụ lập chính sách tốt hơn”, tuy nhiên ông Rik lưu ý, lượng thông tin mở đến mức độ nào thì vừa cần cân nhắc vì thông tin nhiều, độ nhạy cảm sẽ cao.

Các đại biểu đều thống nhất việc quản lý đất đai ở các quốc gia đều đang phái đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiếu lương thực, khan hiếm năng lượng, tăng trưởng đô thị, môi trường xuống cấp, thảm họa thiên tai, khủng hoảng tài chính toàn cầu…Tiến sĩ Hee Nam Jung, Giám đốc, Trung tâm Chính sách đất đai Viện Nghiên cứu định cư Hàn Quốc đã gọi việc quy hoạch, phát triển và đền bù sử dụng đất là mối liên hệ tam giác khăng khít. Ông cho biết tại Hàn Quốc, Nhà nước thu hồi đất của chủ sở hữu với mức đền bù hợp lý theo Luật thu hồi đất cho các dự án công và đền bù năm 2000 nhằm phát huy phúc lợi công và đảm bảo giá trị tài sản, quyền lợi của người sử dụng đất ban đầu. Nữ GS. Thái Ngọc Mai, Viện Điều tra quy hoạch đất đai thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho biết, việc quy hoạch sử dụng đất Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải tìm ra những biện pháp phù hợp với xu hướng phát triển. Như bảo vệ nghiêm đất trồng trọt, kiểm soát đất xây dựng, điều phối quan hệ sử dụng đất và môi trường…

Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi cần tiếp tục tìm lời giải thỏa đáng. Ông Trần Kim Trung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nước ta cho rằng, tham luận tại Hội nghị đã chia sẻ những kinh nghiệm toàn diện, rộng lớn về địa lý và sâu sắc về chuyên ngành, từ chủ trương, quản lý tới kỹ thuật cụ thể của quy hoạch, định giá, đền bù, giải tỏa và quản lý đất đai hiện đại bằng kỹ thuật số… Nhưng cần làm rõ các biện pháp để đảm  bảo tiếp cận đất đai đúng lúc đúng chỗ và chống đầu cơ bất động sản, như kinh nghiệm của Thụy Điển. Hay trình tự đền bù giải tỏa phức tạp, đòi hỏi có những bước cụ thể ra sao và quyết định bởi những văn bản nào, như kinh nghiệm của hàn Quốc?... Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam Tôn Gia Huyên nêu 4 thách thức của nhiệm vụ quản lý đất đai, như chưa cập nhật được biến động đất đai nên thị trường bất động sản trở nên thiếu minh bạch, vấn đề quy hoạch sử dụng đất có nơi còn hình thức, định giá đất chưa cụ thể, và đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở chưa đủ mạnh…

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại VN Nguyễn Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TN&MT Trần Thị Minh Hà đã có những tham luận sâu sắc khẳng định quan hệ hợp tác Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực đất đai ngày càng được thúc đẩy thông qua cơ chế đối thoại toàn diện.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị và tinh thần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia từ Thuỵ Điển, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ngân hàng thế giới tại Hà Nội và của các đại biểu trao đổi thảo luận. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam đang tập trung xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường trong đó thị trường quyền sử dụng đất là một thành phần rất quan trọng. “Sự hoạt động có hiệu quả của thị trường này phải dựa trên cơ sở một hệ thống quản lý đất đai hiện đại được hoàn thiện trong cả nước nhằm đảm bảo cung cấp thông tin đáng tin cậy cho tất cả các đối tượng trong xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh và đề nghị sau Hội nghị, Ban Tổ chức tiếp tục hoàn thiện và tăng cường việc chia sẻ, trao đổi thông tin khoa học trên các diễn đàn khác để công tác quản lý Nhà nước về đất đai ngày càng hoàn thiện.

Monre

Tin cùng chuyên mục