,

Giữ bằng được diện tích đất trồng lúa

Trong khi tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước đã tăng gần 1,28 triệu ha so với năm 2005 thì diện tích đất lúa lại giảm mạnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố số liệu về diện tích đất lúa và đất phi nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc cho thấy điều đó.

Theo đó, tính đến hết năm 2010, tổng diện tích các loại đất kiểm kê của cả nước là 33.093.857 ha, bao gồm 26.100.160 ha đất nông nghiệp, 3.670.186 ha đất phi nông nghiệp và 3.323.512 ha đất chưa sử dụng. Ngoài ra, còn có 47.254 ha đất có mặt nước ven biển sử dụng cho nuôi trồng thủy sản, rừng ngập mặn và du lịch biển. Trong đó, diện tích đất đã có chủ quản sử dụng là 24.989.102 ha (chiếm 75,51%).

Số liệu về tình hình biến động diện tích đất qua kiểm kê cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước đã tăng gần 1,28 triệu ha so với năm 2005, trong đó tăng chủ yếu ở loại đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất trồng lúa lại giảm đến 37.546 ha, trung bình mỗi năm giảm hơn 7.000 ha. Có 41/63 tỉnh thành giảm diện tích đất trồng lúa, trong đó giảm nhiều nhất là các tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang…Riêng Đồng bằng sông Hồng đất nông nghiệp cũng đã giảm 32.000 ha, chủ yếu do chuyển sang mục đích phi nông nghiệp.

Quỹ đất nông nghiệp nói chung và đất lúa nói chung đang nóng trước sự tấn công của hàng trăm dự án, khu cụm công nghiệp. "Các địa phương còn nghèo, khó khăn, cứ nghĩ lấy đất của nông dân xây dựng lên một khu công nghiệp thế là tự nhiên nó tăng trưởng. Tăng trưởng chưa thấy đâu mà đã thấy mất mát", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói vậy tại hội nghị bàn tròn gần đây về tăng cường tính minh bạch trong quản lý đất đai. Đất lúa bị thu hẹp còn do nông dân nhiều địa phương tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác trong khi chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, dân tự chuyển hang ngàn hecta lúa sang nuôi trồng thủy sản khi chưa có quy hoạch. Ở đồng bằng sông Hồng, nông dân vô tư lập trang trại chăn nuôi ngay trên những cánh đồng của mình.

Nhìn rộng ra, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất còn khá nghiêm trọng. Kết quả tổng hợp tại 10 tỉnh cho thấy có tới 101 tổ chức sử dụng đất được giao đất mà không sử dụng đất với diện tích 41,15ha, 71 tổ chức chậm triển khai dự án với diện tích 40,8ha.

Tính chung cho các loại đất sản xuất nông nghiệp, đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị, đến nay cả nước mới có 19 tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt trên 19% diện tích cần cấp, 16 tỉnh đạt từ 80 đến 90%, 18 tỉnh đạt từ 70 đến dưới 80%, 10 tỉnh còn lại đạt dưới 70%.

Đặc biệt, khi Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT có chỉ tiêu dự kiến về giữ đất lúa đến năm 2020, giao cho từng tỉnh trong vùng thực hiện thì trong 10 tỉnh có đến 8 tỉnh đưa phương án xin giảm chỉ tiêu như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên…

Theo các nhà khoa học, ngoài những giải pháp vĩ mô, cần có những giải pháp chi tiết trước hết bảo đảm lợi nhuận, thu nhập cho người trồng lúa. Nghĩa là không đơn thuần giữ đất bằng mọi cách mà phải tiến hành nhiều biện pháp sao cho người trồng lúa làm giàu được thì tự họ sẽ giữ đất. Nhà nước cũng cần có chính sách đặc biệt, cụ thể đối với những địa phương gánh trên mình trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho vùng và cho cả quốc gia.

Để quản lý đất đai nói chung đặc biệt là đất lúa có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực đến năm 2020 diện tích đất trồng lúa xác định là 3,81 triệu ha trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3,22 triệu ha, Bộ TN&MT ngày càng đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể là đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch. Quy định rõ trách nhiệm của Bộ ngành và các địa phương trong việc lập quy hoạch sử dụng đất. Làm rõ nội dung về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp tạo tính linh hoạt, chủ động của địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt quy hoạch sử dụng đất cả nước nay gọi là quy hoạch cấp quốc gia đã xác định rõ chỉ tiêu đất lúa nước của cả nước cần bảo vệ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; quỹ đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Monre

Tin cùng chuyên mục