,

Bộ TN&MT giao ban trực tuyến toàn quốc về quản lý đất đai, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Nỗ lực phát huy nguồn lực đất đai

Chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về quản lý đất đai với 63 tỉnh, thành trên cả nước ngày 18/5, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai gần đây. “Hệ thống chính sách pháp luật về đất đai có tính sát thực đã giúp các địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc. Các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai giảm khoảng 30%. Hệ thống tổ chức, năng lực nội sinh và vị thế của ngành ngày càng được khẳng định, dự kiến 10 năm tới, nguồn thu của ngành TN&MT sẽ đóng góp 30% cho ngân sách Nhà nước. Sau Hội nghị trực tuyến này, Bộ sẽ cử những “đội đặc nhiệm” về giúp địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai”, Bộ trưởng nói.

* Sẽ tiếp tục tháo gỡ bốn nhóm vấn đề về đất đai

Năm 2010, công tác quản lý đất đai có nhiều vấn đề cần thực hiện. Đó là xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 các cấp, kiểm kê đất đai 2010, thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất đai, đặc biệt là đất của các tổ chức, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy mạnh kinh tế hóa ngành, phát huy nguồn lực đất đai…

Gần 20 ý kiến của lãnh đạo UBND, Sở TN&MT các địa phương phát biểu tại Hội nghị đề cập hơn 100 vấn đề liên quan tới quản lý đất đai. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai tổng hợp, chia thành các nhóm vấn đề, cùng lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời bằng cách chương trình, kế hoạch thực hiện. Bốn nhóm vấn đề, theo Bộ trưởng, đó là nhóm vấn đề thực tế đặt ra đòi hỏi cần sửa đổi Luật Đất đai, nhóm vấn đề cần tiếp thu sửa đổi Nghị định, nhóm vấn đề cần sửa đổi ngay bằng Thông tư và nhóm các vấn đề địa phương đang vướng mắc khi triển khai các văn bản pháp luật của Nhà nước, cần giải thích rõ hơn.

"Đề nghị ngành quản lý đất đai cả nước tập trung lực lượng, trên nguyên tắc Sở TN&MT phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai giải quyết kịp thời mọi vướng mắc nảy sinh. Những vấn đề lớn, Bộ sẽ trực tiếp cùng tháo gỡ. “Đội đặc nhiệm” của Bộ sẽ về giúp địa phương có nhiều vấn đề nổi cộm về quản lý Nhà nước về đất đai”, Bộ trưởng nói.

Về ý kiến các địa phương phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lưu ý tỉnh Sơn La cần thực hiện ngay việc bóc khẩn trương lớp đất màu khoảng 20-30cm đối với vùng đất sắp ngập, để phủ đất màu lên vùng đất khai hoang đang khô cằn. “Nếu không, một tháng nữa ngăn đập thủy điện Sơn La, sẽ lãng phí lớp đất màu vì mất vĩnh viễn”.

Hơn 100 vấn đề liên quan đến đất đai được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến

Tại Hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ đã thông báo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai trong 5 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng còn lại của năm 2010. Trước mắt, trong tháng 6 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ Dự án Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia để Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Một nhiệm vụ quan trọng khác là việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở – theo kế hoạch phải cơ bản hoàn thành trong năm 2010, gắn việc đo đạc địa chính với triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận; triển khai có hiệu quả dự án Tổng thể và Dự án VLAP.

Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kế đất đai Trần Hùng Phi báo cáo tình hình và chủ trương, giải pháp thực hiện dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chỉnh và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Theo đó, sẽ điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Dự án tổng thể đến sau năm 2020 để phù hợp với điều kiện kinh phí và nhân lực. Trong năm 2010 và 2011 sẽ tập trung nguồn lực cho việc cấp Giấy chứng nhận để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, ưu tiên hoàn thành trước cho khu vực đô thị và ven đô, nhất là các thành phố lớn sử dụng đất sôi động.

Theo Quyền Tổng cục trưởng Phùng Văn Nghệ, các địa phương cần tập trung bổ sung nhân lực, kiện toàn Tổ chức phát triển quỹ đất; thực hiện nhiệm vụ Tạo quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng...

Kiến nghị với Bộ TN&MT, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt đề nghị Bộ sớm hướng dẫn cụ thể quy phạm xây dựng quy hoạch sử dụng đất để thống nhất thực hiện. “Định hướng tầm nhìn đến năm 2030 với năm 2020 khác nhau như thế nào? Trong khi đó, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều loại quy hoạch với thời hạn và “tầm nhìn” khác nhau” – ông Kiệt đặt câu hỏi.

Liên quan đến việc chuyển nhượng dự án của các doanh nghịêp trên địa bàn, ông Kiệt chỉ ra sự không thống nhất giữa quy định của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT, theo đó “chuyển nhượng dự án” khi thì được hiểu là chuyển nhượng toàn bộ dự án, khi lại là chuyển nhượng các sản phẩm của dự án (đất nền, các tòa nhà, căn hộ…).

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Vũ Văn Hậu cũng cho biết, TP Hà Nội gặp khó khăn rất lớn trong cấp tiếp số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lại do số nhà đất này liên quan đến các vấn đề tư pháp. Bên cạnh đó, trong trường hợp một thửa đất có nhiều công trình, thuộc nhiều chủ sở hữu sử dụng, bao gồm cả tổ chức và tư nhân thì thủ tục thực hiện cấp giấy rất phức tạp…

Đại diện Sở TN&MT Long An cũng kiến nghị nên có thống kê những vấn đề tồn tại của Nghị định 69 để có hướng dẫn cụ thể, “nên chăng, quy định hỗ trợ chỉ từ 0-5 lần thay vì 1-5 lần?”. Đại diện Sở TN&MT Thái Bình lại đề nghị làm rõ về hỗ trợ đền bù thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với phường, xã, khu dân cư, “nếu có đường giao thông, đất lưu thông liền kề thì thửa đất đó có được tính tiếp giáp với phường, xã không?”.

Về đề xuất kiến nghị của các Sở TN&MT tại Hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Phùng Văn Nghệ cho biết,  về việc không lập quy hoạch sử dụng đất cấp xã, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở cả 4 cấp trong khi chưa sửa đổi Luật Đất đai. Về thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngay khi có quyết định giao đất, cho thuê đất hay lúc nào, ông Nghệ giải thích nguyên tắc là chỉ cấp khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và mặt bằng đã được giải phóng. Các khái niệm về đất giáp ranh, hướng dẫn tính giá đất trung bình, xác định tỉ lệ phần trăm hỗ trợ đời sống cho người bị thu hồi đất cũng được giải đáp cụ thể.

Các tỉnh đề nghị hướng dẫn chi tiết để tổ chức thực hiện điểm a, b khoản 1 điều 20 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP (Nghị định số 69/2009/NĐ-CP tách thành 2 mức; mức 30% đến 70%; mức từ 70% trở lên; các tỉnh đề nghị hướng dẫn rõ tỷ lệ 30%; tỷ lệ 70% tính trên diện tích nào? Tính cho từng dự án hay tính cho các dự án?).

Về vấn đề này, ông Nghệ cho biết, mức phần trăm đền bù được tính trên diện tích đất thực tế đang sử dụng tại thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng cho các đối tượng bị thu hồi đất của một dự án hoặc nhiều dự án thì UBND cấp tỉnh có thể quy định hỗ trợ ổn định đời sống được thực hiện hỗ trợ một lần trong suốt quá trình sử dụng đất nông nghiệp, mức hỗ trợ được tính trên tổng diện tích đất nông nghiệp được giao, trên địa bàn một xã; trên cơ sở đó UBND tỉnh xem xét, áp dụng cho đối tượng đạt tỷ lệ quy định ngay tại một dự án hoặc thu hồi qua nhiều dự án và khi cộng dồn thì đạt tỷ lệ này.

* Tạo sức mạnh tổng thể trong quản lý đất đai

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng 5 năm qua, nhất là năm 2009 và 5 tháng đầu năm nay, ngành quản lý đất đai đã nỗ lực và đạt kết quả tốt. Đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai ngày càng hoàn thiện đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương. Nhiều tỉnh triển khai đấu giá đất rất tốt, thu 300-700 tỷ/ năm, đóng góp từ 30-70% tổng thu ngân sách tỉnh.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp đã tương đối thỏa đáng qua triển khai Nghị định 69. Nếu tạo quỹ phát triển đất tốt sẽ từng bước tháo gỡ được giải phóng mặt bằng đối với đất ở, tạo quỹ đất tái định cư. Công tác thu hồi, đấu giá đất có làm tốt hay không cũng phụ thuộc vào công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 2/3 số tỉnh hoàn thành và hoàn thành tốt việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

“Nắm cho chắc, quản cho chặt chính là phương châm của công tác quản lý đất đai. Thời gian tới cần làm tốt công tác xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Trung ương và địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, hướng dẫn các địa phương làm đúng thẩm quyền và đẩy mạnh tuyên truyền những hoạt động tốt của ngành, tạo sức mạnh tổng thể trong quản lý Nhà nước về đất đai”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói.

Monre

Tin cùng chuyên mục