,

Quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của Tổng cục Môi trường, được tổ chức ngày 22/12, tại Hà Nội.

Chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động phòng ngừa

Nhìn lại kết quả năm 2020 vừa qua, đồng thời đánh giá kết quả công tác trong giai đoạn 2016 – 2020, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục. Qua đó, từng bước kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm, đồng thời thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội.

Kết quả rõ thất nhất là đã tập trung kiểm soát được 20-30% các đối tượng lớn qua đó kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường. So với đầu nhiệm kỳ, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã có kết quả tích cực như: số lượng các khu công nghiệp (KCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 89,3% (tăng 12,7%); số lượng KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt 78,2% (tăng hơn 50%); số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để đạt 78,2% (tăng 30,2%); tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 13% (tăng 6%); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (tăng 7%), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (tăng 15%). Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 85% (tăng 6%).

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Môi trường năm 2020, đặc biệt là việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã được Quốc hội đồng thuận, thông qua với tỷ lệ rất cao (91,91%).  Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói: “Tôi ghi nhận rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục đã huy động được sức mạnh tập thể để bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng trình hồ sơ dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, góp phần vào sự thành công chung của Bộ TN&MT”.

Trong công tác cải cách hành chính, đến tháng 3/2020, Tổng cục đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt các dự án, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tỷ lệ văn bản xử lý chậm, muộn; hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết chậm, muộn được ghi nhận trong các báo cáo của Bộ đã giảm đáng kể. Đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính chậm tiến độ chỉ còn hơn 1%. Đây là sự cố gắng, nỗ lực không nhỏ của tập thể lãnh đạo, cá nhân của Tổng cục.

Tổng cục cũng đã kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc. Tiếp tục duy trì tốt hoạt động của các Tổ giám sát môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội nghị

Cần xây dựng kế hoạch công tác về BVMT cụ thể, chi tiết

Bước sang năm 2021, năm đầu tiên và cũng là năm tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2026, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Tổng cục Môi trường cần xây dựng một kế hoạch công tác về bảo vệ môi trường cụ thể, chi tiết, trên cơ sở xác định rõ những thời cơ và thách thức, khắc phục ngay những tồn tại và hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, Tổng cục phải tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai Luật BVMT năm 2020 cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đảm bảo yêu cầu về chất lượng và đúng tiến độ trình các cấp để Luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước; nghiên cứu xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế; rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới.

Thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quản lý về đa dạng sinh học đã được ban hành, đặc biệt trình ban hành được các Chiến lược, Kế hoạch, Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn đến năm 2026 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với đó, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ mới để bảo đảm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước theo đúng Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ.

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng thời, tiếp tục phát huy thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất. Thứ trưởng đề nghị, phải đưa vào kế hoạch thanh tra đúng đối tượng, với trọng tâm thanh tra năm 2021 là nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt. Thanh tra đột xuất đối với các đối tượng có nguy cơ gây ra sự cố môi trường; lưu ý các lưu vực sông, đặc biệt là Bắc Hưng Hải.

Về xử lý chất thải rắn (CTR), cần triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp CTR; mô hình phân loại tại nguồn, phân loại tập trung rác thải sinh hoạt kết hợp tái chế, thu hồi vật chất, năng lượng từ CTR. Nghiên cứu giải pháp đột phá để xử lý ô nhiễm không khí và rác thải sinh hoạt ở các thành phố lớn.

Thứ trưởng đề nghị, bước sang năm tới, giai đoạn mới, Tổng cục Môi trường cần kết hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ hơn trong công tác bảo vệ môi trường nước ta ở trước mắt và lâu dài./.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục