,

Phát triển các dự án: Chú trọng bảo vệ môi trường

Tuyên Quang đang là địa phương có tốc độ phát triển tương đối nhanh, với nhiều dự án công nghiệp lớn được đầu tư trong thời gian gần đây. Sự phát triển này góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân, nhưng vô hình chung cũng gây sức ép lớn đối với môi trường. Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, bền vững đang được ngành chức năng và các doanh nghiệp tập trung giải quyết trong thời gian này.

 

Kiên quyết xử lý các sai phạm

Đầu năm 2022, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Xi  măng Tân Quang số tiền 3,3 tỷ đồng vì hành vi vi phạm hành chính thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật tại các vị trí ống khói lò nung và nghiền nguyên liệu, ống khói làm nguội clanke và ống khói nghiền xi. Đây là mức phạt cao nhất mà một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị xử phạt theo Nghị định 155/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Cùng với quyết định xử phạt, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm. Công ty này cũng buộc phải cải tạo công trình xử lý khí thải bảo vệ môi trường theo quy định, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 

Ngày 23-3-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả kiểm tra, xử phạt về lĩnh vực bảo vệ môi trường và tình hình khắc phục hậu quả của Nhà máy Xi măng Tân Quang của Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang.

Nhân viên Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường thực hiện quan trắc xung quanh khu vực Nhà máy xi măng Tân Quang.

Theo đó, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang đã rà soát hệ thống lò nung Clinker và toàn bộ các công trình bảo vệ môi trường trong dây chuyền sản xuất để thực hiện sửa chữa, cải tạo công trình xử lý khí thải; khắc phục những hư hỏng trong hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Đồng thời, quán triệt tăng cường kiểm tra thiết bị, bám sát tình trạng hoạt động của các công trình bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện, khắc phục các nguy cơ sự cố, đảm bảo yêu cầu khí thải trước khi thải ra môi trường. Ngày 11-2-2022, Công ty đã thuê Công ty TNHH Giải pháp kỹ thuật và Truyền thông môi trường tiến hành đo đạc, lấy mẫu và phân tích mẫu bụi tại ống khói lò nung và nghiền nguyên liệu và ống khói làm nguội Clinker, có sự giám sát của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang. Kết quả cho thấy, thông số bụi tại hai ống khói nêu trên đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 23:2009/BTNMT -Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng.

Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bị xử phạt do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Trong năm 2021, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 23 vụ việc. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 công ty là Công ty TNHH Thương mại ô tô Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu gỗ Việt Ý, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Bảo Ngọc, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang vì liên quan đến lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Mới đây, khi Báo Lao động có bài viết phản ánh tình trạng khói bụi từ Nhà máy xi măng Tuyên Quang gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân quanh khu vực, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tình trạng này ngay trong sáng 8-4. Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đã yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang kiểm tra lại toàn bộ quy trình sản xuất và có phương án khắc phục ngay tình trạng xả khói bụi, ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh. 

Phát triển công nghiệp xanh, bền vững

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, vài năm trở lại đây, Tuyên Quang ưu tiên và chỉ chấp thuận dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các dự án đầu tư sử dụng nhiều nhân công lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu, phát sinh chất thải lớn thì tỉnh từ chối. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án, nhà máy đã đi vào hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải; lắp đặt hệ thống quan trắc về môi trường và báo cáo định kỳ đến Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Công ty cổ phần Giấy An Hòa sau một thời gian đi vào hoạt động đã tập trung nguồn lực cải tạo toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất của mình. Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, từ năm 2016, nhà máy đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý, từ nước thải đầu vào đến xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cụ thể, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa đã cải tạo, bổ sung tháp làm mát nhằm ổn định nhiệt độ đầu vào; bổ sung hệ thống sục khí tại bể cân bằng để tăng hiệu quả xử lý vi sinh; cải tạo trong nhà máy giúp giảm thiểu lưu lượng và tải lượng chất thải; sử dụng các chất lắng cho xử lý màu và giảm hàm lượng chất rắn trong nước thải sau vi sinh.

Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa là đơn vị đầu tiên lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động.  

Sau khi xử lý, các chỉ số đánh giá nước thải, màu và hàm lượng chất rắn trong nước thải của nhà máy luôn đạt tiêu chuẩn loại A - Quy chuẩn Việt Nam QCVN12-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy. Năm 2017, Công ty cổ phần Giấy An Hòa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải hệ thống quan trắc tự động đáp ứng được các tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống này. Cứ sau 5 phút, hệ thống tự động này sẽ truyền trực tiếp kết quả quan trắc nước thải sau xử lý về phòng điều khiển của nhà máy và trung tâm kiểm soát của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Sơn cho biết, bên cạnh việc lắp đặt công nghệ xử lý và quan trắc môi trường, Công ty cổ phần Giấy An Hòa liên tục cải tạo nâng cao hiệu quả từng bộ phận xử lý như hệ thống thu hồi tái sử dụng khí thải, khí có mùi nước thải, hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Ngoài ra, phối hợp sát sao với chính quyền và người dân các xã giáp ranh thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng môi trường xung quanh nhà máy; trồng hàng rào cây xanh tại các khu vực đất trống và giáp ranh để giảm đáng kể các tác động về môi trường phát tán ra ngoài nhà máy. Trong năm nay, Công ty cổ phần Giấy An Hòa có kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất giấy và bột giấy, mục tiêu của doanh nghiệp này là để phát triển lâu dài, phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất về môi trường; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến bằng các biện pháp phù hợp tại cơ sở đối với từng công trình, hạng mục cụ thể.

Ông Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp, cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định. Đến thời điểm này, đã có 5 cơ sở, nhà máy hoàn thành việc lắp đặt là Nhà máy xi măng Tân Quang, Nhà máy xi măng Tuyên Quang, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Nhà máy phôi thép Tuyên Quang, Khu công nghiệp Long Bình An. Còn lại đang tiếp tục hoàn thiện theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Hiệu, việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chỉ là công cụ hỗ trợ việc giám sát, bảo vệ môi trường tại các nhà máy, doanh nghiệp. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phải chủ động đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, đảm bảo việc phát triển không đánh đổi môi trường.      

Theo: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục