Chú trọng ứng dụng công nghệ
Tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Dự án "Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng Sinh học (VFBC)", do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang được triển khai. Cụ thể là hợp phần "Bảo tồn Đa dạng sinh học" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.
Trong hợp phần này, bên cạnh việc cung cấp thiết bị GPS và điện thoại thông minh sử dụng phần mềm SMART hỗ trợ quá trình tuần cho các nhân viên của đơn vị, Dự án VFBC còn cung cấp hơn 100 bẫy ảnh tối tân và các thiết bị liên quan. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để có thể theo dõi, ghi lại những hình ảnh về các loại động vật hoang dã đang sinh sống.
Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, có hơn 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, IUCN và CITES. Vườn có sự hiện diện đặc biệt của các loài thú lớn móng guốc và gần đây phát hiện thêm Thỏ vằn Trường Sơn và Mang lớn, trong đó, Mang lớn thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, VQG Bidoup-Núi Bà có thể là môi trường sống cuối cùng của loài này tại Việt Nam. Để ghi lại được hình ảnh của những loài này, "mắt thần" bẫy ảnh là thiết bị rất quan trọng. Với tính năng hoạt động tự động, pin duy trì đủ hoạt động trong hàng chục ngày, đây là các trợ thủ rất đắc lực cho lực lượng chức năng của vườn.
Đến nay, 112 "mắt thần" bẫy ảnh đã được lắp đặt trên toàn bộ lâm phận của Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà để khảo sát, giám sát và đánh giá mức độ đa dạng sinh học, đặc biệt là quần thể động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Dự án VFBC đã đào tạo 28 cán bộ từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà để thực hiện các hoạt động đặt bẫy ảnh. Cụ thể, chuyên gia của WWF sẽ cùng tham gia đặt "mắt thần" bẫy ảnh, hướng dẫn vị trí đặt, cách dọn dẹp khu vực xung quanh để lấy góc và cách sử dụng thiết bị.
Dự án cũng tổ chức 2 khóa tập huấn về kỹ năng diễn giải môi trường cho Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà và cộng đồng tham gia vào công tác du lịch sinh thái và giáo dục môi trường với khoảng 50 người tham gia.
Ngoài ra, VFBC cũng tổ chức tập huấn kỹ năng lập hồ sơ ban đầu và xử lý tình huống cho 27 cán bộ VQG Bidoup Núi Bà. Ngoài ra, dự án tập huấn cho 5 cán bộ Hạt Kiểm lâm Lạc Dương nhằm hỗ trợ việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp ngoài lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà.
Bên cạnh đó, Dự án VFBC cũng ây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và ứng dụng người dùng cho VQG Bidoup Núi Bà để lưu trữ dữ liệu loài và thu hút cộng đồng tham gia bảo tồn và du lịch sinh thái. Tạo ra mô hình giáo dục môi trường tương tác cho học sinh địa phương và khách du lịch nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy bảo tồn.
Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng). Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Tăng cường hợp tác
Ngày 2/10, tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam nhằm hỗ trợ quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với cải thiện sinh kế cho người dân.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Quảng Trị và WWF Việt Nam đã ký kết hợp tác thỏa thuận 5 năm (2023-2028) với các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu gồm: Quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động thực vật hoang dã; năng lượng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa; thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái nước ngọt.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, Quảng Trị đã và đang hiện thực hóa những hành động góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và quan tâm triển khai các nội dung về công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các hệ sinh thái rừng và biển. Đây là những nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, cần có sự tham gia hỗ trợ, chung tay của các tổ chức quốc tế, đội ngũ các chuyên gia, tư vấn có trình độ, am hiểu để hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh triển khai thực hiện.
Đặc biệt là sự hỗ từ phía tổ chức WWF Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc giúp nhân dân Quảng Trị phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, thúc đẩy xây dựng dự án tín chỉ rừng trồng gỗ lớn đầu tiên tại Việt Nam.