Những ý kiến trên được nêu ra trong hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29-8.
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến về nỗ lực "xanh hóa" phương tiện giao thông tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh.
Lộ trình nào để "xanh hóa" ô tô tại Việt Nam
Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, nếu mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải, là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe người dân.
Vì lý do đó, việc chuyển đổi, thay thế những trạm phát thải này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn và đang tiếp tục tăng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nếu không có những giải pháp kịp thời để “xanh hóa” ngành ô tô được dự báo còn rất nhiều dư địa phát triển, thì các trạm phát thải di động sẽ ngày càng trở thành một ẩn số lớn trong bài toán phát triển bền vững. Do đó, cần sớm có quy hoạch hài hòa, hợp lý để có thể “tới đích” về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải nói chung và lĩnh vực ô tô nói riêng.
Chia sẻ ý kiến về khả năng và lộ trình phát triển xe các loại xe xanh tại Việt Nam, các ý kiến đều đánh giá cao tiềm năng của thị trường hơn 100 triệu dân nước ta.
Theo Trưởng Tiểu ban Truyền thông Đào Công Quyết - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Việt Nam là một thị trường ô tô hết sức tiềm năng, với quy mô dân số đã vượt mốc 100 triệu dân, và thu nhập bình quân từ lâu đã vượt mức “mô tô hóa” (3.000 USD/đầu người). Trong khi đó, doanh số ô tô thường niên vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ ở mức trung bình gần 300.000 xe mỗi năm.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam Võ Minh Lực đặt nhiều kỳ vọng vào việc quy mô dân số trẻ đồng nghĩa nước ta có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào cho xe xanh.
Ông Đào Công Quyết cũng cho biết, VAMA đã đề xuất lộ trình gồm 3 giai đoạn để phát triển xe xanh tại Việt Nam. Cụ thể là: Trong giai đoạn khởi đầu, kích cầu trên thị trường với ưu đãi về thuế, phí cho các dòng xe xanh; hỗ trợ trạm sạc, mạng lưới sạc; hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm xe xanh... Giai đoạn 2 là giai đoạn tăng trưởng nhanh, giảm bớt hỗ trợ cho dòng xe hybrid (bao gồm cả HEV và PHEV) và vẫn duy trì hỗ trợ tài chính cho hệ thống sản xuất. Giai đoạn 3 là từ năm 2041 - khi thị trường đã phát triển ổn định, sẽ không cần hỗ trợ nữa.
Việt Nam có nhiều cơ hội trong sản xuất ô tô điện, ô tô xanh
Với thị trường nhiều tiềm năng, không ít học giả bày tỏ tin tưởng Việt Nam có nhiều cơ hội xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng phục vụ thị trường xe xanh. Tuy nhiên, thách thức cũng không ít.
"Nhà nước và doanh nghiệp đều cần phải có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để làm giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh" - TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho hay.
Trong khi đó, ông Đào Công Quyết nhận định, tự thân ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam còn cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện chuỗi cung ứng, giảm chi phí lắp ráp (vào khoảng 10-20%) mới có thể cạnh tranh với các nền công nghiệp có thế lực trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cũng cho rằng tiến trình “chuyển đổi xanh” trong ngành ô tô cần sự phối hợp toàn diện. Các vấn đề bao gồm quy hoạch trạm sạc tại các đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của người dân; chính sách mạnh để hỗ trợ chuyển đổi từ xe động cơ truyền thống sang xe năng lượng mới với lộ trình rõ ràng…