,

Đưa Luật bảo vệ môi trường vào thực tiễn cuộc sống

Đây là nhiệm vụ của Bộ TN&MT trong năm 2022. Điểm nhấn trong quý I/2022 là đã ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

 

Cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ TN&MT tổ chức các Hội nghị, Hội thảo tập huấn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định mới của Luật; xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng.

Trong quý I/2022, một văn bản quan trọng về bảo vệ môi trường được Chính phủ ban hành là Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này có nhiều nội dụng đổi mới trong đó nổi bật là cập nhật nội dung “hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050” để phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Các Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được triển khai nhằm định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ tiếp tục hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam theo chính sách, quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, rác thải là tài nguyên được tái chế, tái sử dụng thay cho chôn lấp trực tiếp.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, hạn chế xả thải ra môi trường; tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường.

Bộ có các hoạt động thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải và rác thải; trong đó chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải rắn. Đồng thời Bộ sẽ nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Hướng dẫn mô hình công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường phù hợp với từng địa phương.

Để hiệu quả bảo vệ môi trường được bền vững, Bộ TN&MT chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Đặc biệt, Bộ nghiên cứu để có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, như lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải...

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục