Ngày 28/9/2022, Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã làm việc với Tổng vụ Môi trường Châu Âu tại Vương quốc Bỉ. Tổng vụ Môi trường Châu Âu bà Florika FINK-HOOIJER và Trưởng ban Ô nhiễm Công nghiệp đã tiếp và trao đổi về hợp tác giữa EU với Việt Nam nói chung và giữa Bộ TN&MT với Tổng vụ Môi trường Châu Âu về tài nguyên và môi trường nói riêng trong đó có BAT (công nghệ tốt nhất sẵn có).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thông tin với Tổng vụ Môi trường Châu Âu một số nội dung và hoạt động ưu tiên của Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng về chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường (bao gồm cả rác thải nhựa đại dương) và mất đa dạng sinh học. Phía EU đã chúc mừng Việt Nam về những cam kết mạnh mẽ liên quan đến biến đổi khí hậu tại COP26, đa dạng sinh học thông qua Cam kết của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các diễn đàn quốc tế, cho biết đây cũng chính là các nội dung mà EU quan tâm ưu tiên hiện nay.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Tổng vụ trưởng Môi trường EU Florika FINK-HOOIJER
Bà Florika FINK-HOOIJER cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng trong EU và EU sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, BAT, quản lý chất thải nhựa, biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Đối với BAT, phía EU cho biết sẽ sẵn sàng chuyển giao các tài liệu liên quan đến quy trình thủ tục và kỹ thuật về BAT cho Bộ TN&MT, chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam rút ngắn về thời gian và nguồn lực trong xây dựng và áp dụng các chính sách BAT theo đề nghị của Trưởng Đoàn công tác Bộ TN&MT.
Ngày 29/9/2022, Đoàn công tác đã đến trụ sở Cơ quan đối ngoại của EU, làm việc với Đại sứ về BĐKH và ngoại giao khí hậu, các chương trình nghị sự toàn cầu và quan hệ đa phương Marc VANHEUKELEN. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thông tin với Đại sứ về tình hình triển khai cam kết COP26 của Việt Nam, đặc biệt là việc Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao là Cơ quan chủ trì điều phối việc thực hiện các cam kết về mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26. Thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình phê duyệt: Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan và nhiều văn bản quan trọng khác nhằm hiện thực hoá các cam kết tại COP26. Hiện nay, Bộ TN&MMT đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Trưởng đoàn công tác cũng chia sẽ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải và đề nghị phía EU hỗ trợ trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng sạch và kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính, tín dụng cho Việt Nam. Đại sứ Marc VANHEUKELEN đánh giá cao những nỗ lực và cam kết của Việt Nam, cho biết sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam thúc đẩy xây dựng và ký kết Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, cố gắng đạt mục tiêu công bố tại COP27 tại Ai Cập. Đại sứ cũng thông tin và bày tỏ mong muốn việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có thể tham dự COP27 để cùng với Lãnh đạo G7 công bố Thỏa thuận JETP, hy vọng Việt Nam sẽ là hình mẫu của Thế giới trong việc đi đầu thực hiện các cam kết COP26.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm việc với Đại sứ BĐKH của EU Marc VANHEUKELEN tại trụ sở Cơ quan đối ngoại của EU, Vương quốc Bỉ
Ngày 30/9/2022 tại Paris, Cộng hòa Pháp, Đoàn công tác đã đến làm việc tại trụ sở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Vụ trưởng Vụ Môi trường OECD bà Jo Tyndall, cùng các chuyên gia môi trường của OECD đã đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác. Thay mặt OECD, bà Jo Tyndall chào mừng Thứ trưởng cùng các thành viên Đoàn công tác, vui mừng cho biết đây là đoàn công tác cấp Thứ trưởng đầu tiên đến thăm và làm việc tại trụ sở của OECD tại Paris.
Vụ trưởng Vụ Môi trường của OECD cảm ơn sự hợp tác hiệu quả của Bộ TN&MT với OECD trong thời gian qua và chia sẻ thông tin với Đoàn công tác Bộ TN&MT về các dự án trong lĩnh vực môi trường đang, sẽ triển khai sắp tới và đề xuất một số nội dung hợp tác với Bộ TN&MT trong thời gian tới.
Đoàn công tác cùng các đối tác tại trụ trở của OECD tại CH Pháp
Thay mặt Bộ TN&MT và Đoàn công tác, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cảm ơn sự đón tiếp chân tình của OECD và bà Jo Tyndall, đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của OECD đối với Việt Nam nói chung và đối với Bộ TN&MT nói riêng trong thời gian qua; ghi nhận các đề xuất hợp tác của OECD trong lĩnh vực TN&MT và đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Bộ TN&MT, đặc biệt là triển khai áp dụng BAT trong quản lý môi trường.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, chia sẻ thông tin về BAT và áp dụng BAT trong quản lý môi trường. Các chuyên gia OECD đã chia sẻ kinh nghiệm của EU và các dự án nghiên cứu của OECD liên quan đến BAT, kinh nghiệm thực tiễn áp dụng BAT của Ba Lan (một quốc gia thành viên của EU). Đại diện Vụ Pháp chế đã chia sẻ, cập nhật quy định và tình hình triển khai BAT và đề nghị OECD hỗ trợ kỹ thuật triển khai áp dụng BAT tại Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, nhóm kỹ thuật của hai bên thống nhất sẽ cùng đề xuất một chương trình hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam triển khai BAT, dự kiến thông qua một MOU để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm 2023.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành lập năm 1961, hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển. Chức năng của OECD: (i) là diễn đàn đối thoại giữa các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu về các vấn đề kinh tế- xã hội; (ii) tiến hành nghiên cứu, dự báo, đưa ra khuyến nghị và tư vấn các nước thành viên trong hoạch định, phối hợp chính sách phát triển kinh tế- xã hội. OECD có nhiều ảnh hưởng đến các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển kinh tế. OECD hiện là một trong những tổ chức quốc tế có uy tín trong nghiên cứu; xây dựng và lưu giữ cơ sở dữ liệu thông tin rất lớn trên hầu hết các lĩnh vực chính sách trừ quốc phòng như kinh tế, văn hóa, giáo dục… Các dữ liệu, thông tin, báo cáo của OECD có giá trị và độ tin cậy cao. |