,

Bảo vệ, cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Theo đó, ưu tiên phục hồi các sinh cảnh của các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư: Voi, Sao la, Mang trường sơn, Thỏ vằn trường sơn, Rùa trung bộ, Rùa hộp trán vàng miền trung, Gà lôi lam mào trắng, Sếu đầu đỏ, Cò mỏ thìa, các loài linh trưởng nguy cấp.

Tờ trình nêu rõ, bảo tồn các loài động vật hoang dã ưu tiên bảo vệ là nhiệm vụ của toàn xã hội, bao gồm các cấp, ngành, tổ chức, cộng đồng và mọi người dân. Đảm bảo không có thêm loài ưu tiên bảo tồn bị tuyệt chủng. 100% các loài ưu tiên bảo vệ phải có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, sinh cảnh sống của các loài ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc; định kỳ cập nhật thông tin, dữ liệu và công bố Danh mục loài ưu tiên bảo vệ.

Sếu đầu đỏ là một trong các loài cần ưu tiên bảo vệ. Ảnh: Đoàn Hồng/Công an Nhân dân

Đánh giá tình trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài tại các khu bảo tồn thiên nhiên và ngoài khu bảo tồn thiên nhiên.

Bên cạnh đó, phải nghiên cứu, đánh giá khả năng nhân nuôi sinh sản và tái thả nhằm phục hồi quần thể trong tự nhiên, ưu tiên thực hiện mô hình thí điểm với các loài Rùa trung bộ, Rùa hộp trán vàng miền trung, Thằn lằn cá sấu, Tắc kè đuôi vàng, Voọc mông trắng, Sếu đầu đỏ, Gà lôi lam mào trắng và các loài có khả năng nhân nuôi bảo tồn khác.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương (kiểm lâm, công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, kiểm dịch động vật, cảnh sát biển và tài nguyên và môi trường) phải được tăng cường hơn nữa. Trong đó, tập trung ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo và tiêu thụ trái phép và các sản phẩm của loài ưu tiên bảo vệ, dụng cụ săn bắt, bẫy, bắn động vật hoang dã. Hình thành các đường dây nóng để tiếp nhận tin tức thông báo về các vụ vi phạm pháp luật.

*Trong nỗ lực cứu hộ động vật hoang dã, sáng 17/11, tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Qua hơn một năm xây dựng Giai đoạn 1, Trung tâm đã hoàn thiện khu cơ sở vật chất gồm bệnh viện gấu, khu cách ly tạm thời, hai nhà gấu đôi và bốn khu bán tự nhiên, qua đó góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã do người dân tự nguyện trao trả, do tịch thu hoặc xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục