,

Xả nước thải gây ô nhiễm môi trường bị phạt đến 500 triệu đồng

Bắt đầu từ ngày 1/3, mức phạt mới theo nghị định 117/2009/NQ-CP về những hành vi vi phạm luật môi trường sẽ được áp dụng. Theo đó, mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng cho một hành vi vi phạm hành chính.

Một điều mà rất nhiều người quan tâm, đó là các quy định về xả nước thải. Theo Nghị định này, ngoài cảnh cáo thì mức phạt nhẹ nhất là 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 10m3/ngày đêm.

Mức phạt cao nhất là từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng cho các hành vi xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xã môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Trong khi đó, mức phạt hành chính thấp nhất đối với vi phạm về thải khí, bụi là 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng cho hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường.

Hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,5 lần sẽ bịphạt từ 1 triệu đồng đến 120 triệu đồng. Mức phạt tăng dần lên tới 500 triệu đồng trong trường hợp vi phạm thải khí, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Đối với các vi phạm về tiếng ồn, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng. Mức phạt cao nhất áp dụng cho các hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.

Vi phạm các quy định về độ rung, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Mức phạt cao nhất dành cho các hành vi gây độ rung vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về độ rung trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với khu vực cần có môi trường đặc biệt yên tĩnh, khu dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, khu dân cư xen kẽ trong khu thương mại, dịch vụ và sản xuất.

Các hành vi gây ô nhiễm đất, nước hoặc không khí bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Theo Nghị định này, ngoài việc nộp phạt hành chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, từ tước quyền sử dụng đối với Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, Giấy phép hành nghề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề có nội dung liên quan về bảo vệ môi trường… và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đã đủ sức răn đe?

Theo một cán bộ ngành tài nguyên và môi trường Hà Nội, mức phạt này cao hơn gấp nhiều lần qui định cũ và được kỳ vọng là sẽ có tác dụng răn đe tốt hơn đối với các hành vi vi phạm luật môi trường.

Đơn cử như mức phạt cho hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, trong trường hợp xả thải đến dưới 5.000m3/ngày đêm có thể bị phạt đến 200 triệu đồng. Trước đây, mức vi phạm này cao nhất cũng chỉ bị phạt từ 31-33 triệu đồng (mức vi phạm và mức phạt từng xảy ra với nhà máy bia Hà Nội năm 2009).

Tương tự, năm 2008, công ty Miwon bị phạt 32 triệu đồng cho hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Nếu theo mức mới, công ty này có thể sẽ sẽ phải nộp phạt lên tới 200 triệu đồng.

Cũng theo cán bộ nói trên, mức phạt này sẽ phần nào bù lại được cho các chi phí phải đem ra để phục vụ cho việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các hành vi vi phạm luật môi trường. “Chi phí để tổ chức thanh kiểm tra các doanh nghiệp để phát hiện vi phạm trước đây thường lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền thu được từ xử phạt. Điều này cũng có nghĩa là ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra những khoản tiền khổng lồ nếu muốn việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả” - cán bộ này cho biết..

Còn theo một chủ doanh nghiệp thì mức tăng nặng này rất đáng để các doanh nghiệp lưu tâm, bởi nếu không cẩn thận, nhiều doanh nghiệp rất có thể sẽ phá sản vì nộp phạt.

VnMedia

Tin cùng chuyên mục