,

Việt Nam luôn đề cao và ủng hộ xu hướng phát triển bền vững

Trong dòng chảy toàn cầu hoá, là một nước đang phát triển, Việt Nam ý thức rất rõ về tất cả những vấn đề toàn cầu phát triển bền vững mà thế giới đang phải đối mặt. Đó là những vấn đề khủng bố và tội phạm quốc tế, chiến tranh – hoà bình, dân số - tài nguyên – môi trường hay là dịch bệnh – đói nghèo… Trên cơ sở đó, Việt Nam khẳng định sự cần thiết phải có những động thái nỗ lực chủ quan của mỗi quốc gia, chủ thể quan hệ quốc tế mới có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Môi trường hoà bình là điều kiện để các quốc gia phát triển, nhưng hoà bình không phải là yếu tố duy nhất đảm bảo cho quốc gia có thể phát triển ổn định lâu dài. Ngoài nguyên nhân trực tiếp đe doạ cản trở sự phát triển của nhân loại là chiến tranh, còn vô số những vấn đề khác mà ngày nay gọi chung là vấn đề toàn cầu cản trở sự phát triển, đặc biệt là sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đó là các vấn đề đói nghèo, thất nghiệp, nợ nước ngoài của các nước đang phát triển; khoảng cách giàu nghèo giữa các nước; các khu vực và các tầng lớp dân cư trong một nước; sự bùng nổ dân số; bệnh tất hiểm nghèo, nguy cơ huỷ hoại môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…

Về tình trạng ô nhiễm môi trường, cho đến nay quá trình phát triển sản xuất trên thế giới luôn đi kèm với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô độ và môi trường  sống  đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi lựong chất thải sinh họat, chất thải công nghiệp khổng lồ. Tình trạng ô nhiễm môi trường không phải là một vấn đề mới nhưng hậu quả của nó ngày càng nghiêm trọng và tính cấp thiết của việc đưa ra các giải pháp càng ngày càng tăng, đòi hỏi các quốc gia phải cùng nỗ lực hợp tác mới có thể giải quyết được.

Bùng nổ dân số cũng là một vấn đề lớn trong công cuộc phát triển bền vững, sự bùng nổ dân số từ giữa thế kỷ XX đến nay, một mặt thể hiện sự tiến bộ của nhân loại trong cuộc đấu tranh nâng cao mức sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặt khác, bùng nổ dân số cũng làm kìm hãm sự tiến bộ xã hội. Mối quan hệ giữa tăng dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người đang tạo nên nguy cơ làm băng hoại môi trường xã hội của cuộc sống con người.

Khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang đem đến cho nhân loại những triển vọng phát triển tươi sáng, thì thế giới lại phải đối mặt với những dịch bệnh khủng khiếp. Cùng với các vấn đề của tự nhiên, nhân loại đang phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt chống lại các dịch bệnh toàn cầu như một hậu quả của chính những gì con người gây ra. Sức tàn phá về người và của cũng như sự tàn phá vô hình đối với sự phát triển của cộng đồng mà các dịch bệnh gây ra vô cùng lớn và cuộc đấu tranh chống lại các dịch bệnh toàn cầu ngày càng trở lên khốc liệt và như không có điểm dừng.

Trên thực tế còn rất nhiều những vấn đề toàn cầu phát sinh đang ngày càng bức thiết đòi hỏi các quốc gia phải cùng nhau nỗ lực giải quyết mới có thể phát triển bền vững. Phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cáo mà đi cùng với tốc độ đó phải có chất lượng tăng trưởng, thể hiện ở sự hài hoá trong quá trình phát triển giữa kinh tế và chính trị, văn hoá, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế và chính trị, văn hoá xã hội…

Phát triển bền vững chỉ có thể đạt được thông qua quá trình hợp tác và đầu tranh phức tạp và lâu dài giữa các nước và các lực lượng chính trị  - xã hội khác nhau. Trên cơ sở đó, đối ngoại Việt Nam luôn hoạt động theo lập trường:

-Thúc đẩy xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển ở khu vực và trên thế giới.

- Ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về thu hẹp, tiến tới xoá bỏ hố ngăn cách giàu nghèo, về sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, giữa kinh tế và văn hoá, giữa kinh tế và môi trường.

- Ủng hộ và tích cực tham gia cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển với các nước công nghiệp phát triển trong việc thiết lập trật tự kinh tế quốc tế bình đẳng, cùng có lợi…

- Tích cực tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống mặt tiêu cực của toàn cầu hoá.

Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu và những thách thức nội tại đối với sự phát triển bền vững. Đối ngoại Việt Nam trong nhiều năm qua luôn khẳng định nguyện vọng và ý chí theo đuổi xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển; bảo vệ sự công bằng giữa các nước khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá nhằm đạt được cao nhất lợi ích quốc gia và góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng./.

Moitruongxanh

Tin cùng chuyên mục