,

“Tuyên chiến” với rác thải nhựa: Cần hành động ngay

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất 1 túi nilon và thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày. Trong đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 - 6 túi nilon/ngày, bình quân mỗi hộ sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi nilon/hộ/tháng. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa” nhằm tuyên chiến với loại rác thải nguy hại này.

Tại tỉnh ta, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2018 thu gom trên 62,2 triệu tấn rác thải rắn thì rác thải nhựa, vỏ chai lọ chiếm khoảng 18 - 20%. Hầu hết lượng rác thải được xử lý theo hình thức chôn lấp mà chưa có biện pháp phân loại, tái chế. Đây là thực trạng cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ rác thải nhựa để bảo vệ sinh thái và môi trường sống của con người.
 


Sinh viên trường Đại học Tân Trào được phát túi thân thiện với môi trường do Sở Tài nguyên - Môi trường cung cấp trong sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 vừa qua. 


Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán hoa, quả tại chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng chị sử dụng khoảng 500g túi nilon để đựng hoa, quả cho khách. Mỗi lượt khách mua hoa, quả thường yêu cầu đến 2 túi nilon để đựng đồ do lo ngại túi rách hoặc rơi đồ... 

Sự tiện lợi của đồ dùng bằng nhựa khiến rác thải nhựa có mặt tại khắp nơi, ảnh hưởng đến mỹ quan, nhất là tại các khu, điểm du lịch. Anh Chẩu Văn Đệ, Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, bắt đầu từ cuối năm 2018, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn xã Thượng Lâm được thực hiện theo hình thức thu gom rác thải tại một số điểm du lịch, như thác Khuổi Nhi, một số điểm homestay thuộc các thôn Nà Đông, Nà Tông... Trung bình mỗi lần ra quân, lượng rác thải thu gom được từ 3 - 5 kg, tất cả đều là túi nilon, vỏ chai nhựa. Hạn chế sử dụng túi nilon, đoàn xã vận động các hộ gia đình tham gia mô hình homestay có thùng gom rác, khi đưa khách đi tham quan hồ không vứt rác bừa bãi mà gom lại mang về bến thuyền tập kết, xử lý. 

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, nhằm giảm thiểu việc sử dụng rác thải nhựa, túi nilon, từ năm 2016, trong các chiến dịch hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, đơn vị đều tuyên truyền, phát các túi thân thiện với môi trường cho tiểu thương tại các chợ trung tâm và người dân. Tuy nhiên, việc cải thiện hệ thống thu gom phù hợp và hiệu quả, sẽ có tác động rất lớn với việc giảm thiểu rác thải. Trong đó, cần thiết phân loại rác tại nguồn thông qua các hoạt động giáo dục, thay đổi hành vi, thực thi chính sách; sự tham gia của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng gói và sản xuất các sản phẩm nhựa, doanh nghiệp tái chế. 

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải và môi trường đô thị Thanh Bình, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), mỗi ngày hợp tác xã thu gom, xử lý được trên 30 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó chiếm đến 80% là rác thải nhựa. Do không thực hiện phân loại rác tại nguồn, nên sau khi thu gom, hợp tác xã mất thêm thời gian phân loại thủ công và tái chế các loại rác thải nhựa, cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất tại Vĩnh Phúc, Hà Nội... 

Anh Chẩu Thanh Phương, Giám đốc Hợp tác xã An Nhiên Phát, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, sản phẩm chính của hợp tác xã hiện nay là các đồ dùng bằng tre, như cốc, thìa, bát, ống hút... Sau khi đi vào sản xuất, các sản phẩm bằng tre đã nhận được sự quan tâm tích cực của người tiêu dùng, đặc biệt là các quán cà phê tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 700 - 1.000 sản phẩm các loại. Trong đó, đã có nhiều đơn đặt hàng khoảng 300 - 500 sản phẩm/đơn phục vụ riêng cho các quán cà phê. Tuy nhiên, theo anh Chẩu Thanh Phương, trong số các đơn đặt hàng từ các hàng ăn, quán cà phê, hầu như chưa có một đơn nào đến từ các cơ sở kinh doanh trong tỉnh.

 Phân loại rác tại nguồn, có sản phẩm thay thế đồ dùng bằng nhựa là những giải pháp mà ngành tài nguyên môi trường đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi trong thói quen hàng ngày. Mỗi hành động nhỏ như không sử dụng ống hút nhựa hay nước uống chai nhựa dùng một lần đều có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.
 
 

baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục